Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường

Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường

 

Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường và cảm xúc thời thanh xuân của tôi

                                                   GS. NGND Phan Trọng Luận
 
          *
       Vào tuổi “xưa nay hiếm” đã qúa xa cái thời thanh xuân nhưng khi nghĩ mình sẽ viết bài kể lại thời còn ở độ tuổi thanh xuân được tiếp xúc với những con người trí thức tinh hoa của dân tộc, lòng tôi bao giờ cũng trẻ lại, cũng sướng vui thức dậy trong mình những hoài niệm những kí ức tưởng như đã chôn vùi với tháng năm. Đây không phải là chuyện người già luôn sống say đắm với qúa khứ mà là chuyện tư duy tiềm thức và tiềm năng văn hóa mỗi con người. Cứ ngẫm kĩ, ngẫm sâu, tôi càng ngộ thêm rằng cái sức hút kì diệu của những con người tinh anh của dân tộc một khi đã gieo mầm vào trí óc tuổi trẻ thì nó là nguồn năng lượng diệu kì không bao giờ phai nhạt. Một lần gặp gỡ, một câu chuyện, một hành vi cư xử đã gây ấn tượng chứ chưa nói đến những cuộc thụ giáo trong nhiều ngày tháng với các bậc sư biểu tinh hoa của dân tộc đối với thế hệ trẻ đang khát khao học vấn, trăn trở tìm đường như lớp thanh niên học sinh kháng chiến chúng tôi lúc bấy giờ. Cứ nhớ lại các thầy là như được sống lại những ngày thanh xuân đó. Cảm giác đến với tôi khi viết về các bậc thầy Đặng Thai Mai, Hoài Thanh mấy năm trước đây, với thầy Trương Tửu gần đây, bây giờ lại bừng dậy khi nghĩ về thầy Nguyễn MạnhTường.
                                                          *
          Ấn tượng trong một thời điểm lịch sử và tâm thế đặc biệt. Nguyễn Mạnh Tường đến như một một ngôi sao từ nguồn ánh sáng văn minh châu Âu bay về. Ông đến với chúng tôi trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và đã gây ngay một sức thu hút lạ kì từ buổi ban đầu được tiếp diện. Còn nhớ vào những năm 50 của thế kỉ trước, cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp đã bước sang một giai đoạn quyết liệt. Mấy tỉnh Nghệ -Tĩnh không còn cái không khí thanh bình được nữa. Khói lửa chiến tranh từ Bình Trị Thiên, những tin tức chiến trận từ khu 3, cuộc tập kích của địch từ Việt Bắc, thêm vào một vài đợt đột nhập của địch vào vùng ven biển Thanh Hóa đang xua tan nhanh chóng nhịp sống không còn thích hợp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lần xét tại cuộc mít tinh với dân chúng Đức Thọ (Hà Tĩnh) hồi đó. Các cuộc nhập ngũ của thanh niên chuyên khoa vào trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, các đợt đầu quân vào Bình Trị Thiên. . . diễn ra sôi động, náo nức báo hiệu những ngày gian nan quyết lịệt sắp đến của hậu phương. Trong thời điểm lịch sử đó làm sao không có những biến động trong giới trí thức và học sinh vốn rất nhạy cảm. Buổi tối mấy anh em hs chuyên khoa thì thầm trao đổi trong quán chè Huế chuyện nhạc sĩ NĐC bao đêm vẫn đánh măngđôlin, tiếng đàn như mê đắm, cho cô con gái hát trong túp nhà nhỏ bên bờ đê Sông La, đêm qua đã “dinh tê” rôi. Thầy giáo văn chương chuyên gia văn học Pháp thế kỉ 18 và 19 cũng đã đi, giáo sư Anh văn trốn đi đã bị dân quân giữ lại ở phía Nam cửa Hội Nghệ an rồi tin dữ hơn, thầy giáo văn chương nổi tiếng tài hoa và khinh bạc nọ đã vào tu viện Xã Đoài và sang Tòa thánh La Mã… Đến như ông Giám đốc học chính Liên khu IV vừa nổi tiếng với sáng chế acit sulphurich, cả gia đình đã vào tề… Một phân số thanh niên học sinh không phải không có tâm trạng. Xếp bút nghiên ra xa trường hay tìm con đường bình yên cho học vấn tương lai? Chiến tranh không còn đất cho khoa học và tương lai của tuổi trẻ ư?
 Nhưng đây rồi Trung ương đã cử những trí thức tên tuổi lừng danh một thời, giờ đây vẫn đang chung lưng đấu cật với nhân dân trong cuộc thử sức lịch sử này. Thì ra có vài người ra đi nhưng lại còn những đấng trí thức tinh hoa vẫn trụ lại cùng nhân dân. Chúng tôi hồ hởi đón tin sẽ được thụ giáo với những con người tri thức mà tên tuổi đã là niềm ngưỡng vọng từ lâu: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giầu, Nguyễn Bách Khoa - Trương Tửu và Nguyễn Mạnh Tường… Mỗi vị là một đỉnh cao với những nguồn gốc, hành trình thành đạt và kho báu tri thức không giống nhau nhưng đều lấp lánh một hào quang hấp dẫn lạ kì. Đành là sự ngưỡng mộ còn nhiều cảm tính vì dù sao bấy giờ với mấy cậu học trò tỉnh lẻ chúng tôi thì các đỉnh cao đó vẫn còn là những thế giới xa lạ, xa cách và ẩn chứa nhiều điều bí ẩn thú vị về cuộc đời và khoa học. Chúng tôi được đón Thầy trong thời điểm lịch sử và tâm thế đặc biệt như vậy nên những ấn tương đẹp đẽ, tươi mới, hào hứng ban đầu ấy của tuổi thanh xuân không thể nào phai mờ được. Giờ đây vẫn tươi rói có sức lay động ghê gớm.
                            *
              Những ấn tượng về nhân cách của người trí thức chân chính luôn hướng về dân tộc, gắn mình với dân tộc. Mấy lâu cũng chỉ được nghe tiếng đồn về vị lưỡng tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa ở tuổi 22, từng làm xao động dư luận trong ngoài nước như niềm tự hào cho thế hệ tri thức người Việt Nam và cho cả nền văn hóa Pháp : Lại con người đó đã từ bỏ cương vị giáo sư Trường Bưởi để phản dối chính sách của thực dân Pháp, cũng con người đó đã có mặt trong Phái doàn Việt Nam tại Hội nghị Đà Lạt mà nghe kể lời nói bất hủ “Miền Nam là máu của máu Việt Nam là thịt cuả thịt Việt Nam” của Ông đã là một tuyên ngôn sắc bén giàu sức lay động trên bàn hiệp thương. Cũng như Nguyễn Văn Huyên, Người đó đã từng là tác giả của mốt số công trình khoa học hướng về bản sắc, tâp tục dân tộc và con người Việt nam được đánh giá cao ở Paris (…L! individu dans la vieille cité annmite, L!annam dans la litérature francaise, Construction de l!Orient, Sourires et larmes d!une jẹunesse ………. . ) Và giờ đây con người đó đã đến với chúng tôi trong sự đợi chờ và nguỡng vọng từ lâu. Tôi còn nhớ cái buổi lên lớp đầu tiên của Thầy. Hôm ấy là một buổi tối vùng quê tại cái làng Toán Tị Cầu Kè nằm trên bờ con sông nông giang đập Bái Thượng, Tỉnh Thanh Hóa. “Giảng đường” là mái đình ẩm móc. Ánh sáng là mấy ngọn dầu hỏa leo lét có cái chao che kín ánh sáng không cho lọt ra ngoài sợ máy bay địch. Lũ sinh viên chúng tôi ngồi ngổn ngang, mỗi anh chị một bộ bàn xếp dưới đất… Thầy mặc bộ đồ vét trắng có cravat đàng hoàng (Trong kháng chiến là hiếm thấy)…. Mở đầu giáo trình, có lẽ nghĩ là lũ môn sinh không biết, thầy tự giới thiệu một cách hồn nhiên, tự tin, kiêu hãnh “ Tôi là Nguyễn Mạnh Tường lưỡng tiến sĩ ở tuổi 22 chưa từng có kỉ lục ở Pháp và trên thế giới …” Hình như phảng phất có cái gì đó không hài hòa không ăn nhịp đây chăng? Giữa cái cơ sở vật chất nghèo nàn không chút tương xứng với hào quang toát ra từ con ngừơi đó. Không biết trên thế giới ở đâu lại có cái giảng dường đại học kì lạ như thế này? Cứ tự hỏi không biết có lúc nào thầy chợt nhớ lại những giảng đường, những thư viện đại học một thời thầy đã sống ở Paris hoa lệ không nhỉ? Chúng ta liên tưởng rộng ra về thời đó một chút. Thời buổi Tây hóa bấy giờ, có những ông Tây - An nam như kịch Nam Xương hay báo Phong Hóa, Ngày nay đã từng châm biếm đả kích. Họ muốn quên mình là người Annam, họ học đòi Tây, họ vong bản. Buồn cười có ông cử nhân đi Tây về chỉ củ khoai lang hỏi : “Cái này là cái gì ?”. Thế nhưng những người như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường … đã chọn con đường khác. Con đường giữ lấy bản chất Việt Nam của mình trong tâm hồn và cả trong học vấn. Thật không phải dễ gì giữ được mình trong cái thời buổi như thế. Ta cứ hãy cùng nhau cắt nghĩa cái sức mạnh thần kì nào, ngọn lửa thiêng nào đã giữ chân người trí thức cao sang đó trụ lại và dấn thân vào cuộc hội nhập chung cùng nhân dân. Chỉ nghĩ thế thôi đã thấy sáng ngời, lấp lánh lên tâm hồn, ý thức cao đẹp của những trí thức như các Thầy Nguyễn Mạnh Tường khi đến với cách mang, đi cùng cách mạng, góp sức cho cách mạng. Con người đó làm sao mà không để lại dấu ấn sâu đậm cho thế hệ thanh niên kháng chiến chúng tôi, dấu ấn vể nhân cách và bản lĩnh của một trí thức chân chính, một trí thức nặng lòng với đất nước với nhân dân. Ấn tượng đẹp đẽ dầu tiên từ giảng đường mà thầy đã gieo vào tâm trí chúng tôi là vậy đó. Không bao giờ quên được, không thể nào quên được cái thưở ban đầu thiêng liêng ấy.
                                 *
        Ấn tượng về kiến thức uyên thâm và tư duy mới mẻ. Tôi còn nhớ một buổi lên lớp về chuyên đề văn hóa giáo dục. Kiến thức của thầy thật uyên bác nhưng có một luận điểm quan trọng và khá mới mẻ thầy nêu lên đã gây nhiều tranh cãi trong anh chị em chúng tôi, nhất là phản ứng khá mạnh ở các anh cán bộ đảng viên cốt cán của lớp học. Thầy nói hình ảnh con người tương lai của nhân loại là con người lao động. Nhiều người trong chúng ta chắc còn nhớ những năm tháng đầu của kháng chiến, sách báo có gì đâu. Kiến thức triết học vẫn quẩn quanh trong cuốn triết học vỡ lòng của Pôlitzer và Triết học mác xít của Hải Triều. Trong hiểu biết chính trị chung lúc bấy giờ, con người lí tưởng của hiện tại và tương lai không thể ai ngoài con người mang danh hiệu cộng sản. Luận điểm của Thầy chắc hẳn đến bây giờ vẫn còn có chỗ này chỗ nọ để bàn luận thêm cho dù chủ thuyết về con người không giai cấp đã được nêu lên khá hấp dẫn đảo lộn nhiều lối mòn tư duy kinh viện. Một vài anh lớn tuổi, cán bộ đi học cho rằng ý của Thầy không phù hợp với lí luận tính đảng cộng sản, lí thuyết giai cấp mà mấy lâu vẫn nghe giảng. Mấy đứa trẻ tuổi hơn trong chúng tôi vặn lại: Ý của thầy gần với luận điểm của gs Trần Văn Giầu. Thây Giầu nói giai cấp vô sản vổn là giai cấp duy nhất vô tư trong lịch sử. Nó đấu tranh tiêu diệt giai cấp rồi tự tiêu diệt để đi đến xã hội không còn giai cấp. Nói theo thầy Giầu thì chính người cộng sản cũng không còn tồn tại. Làm sao lại có thể là mẫu hình cuả tương lai?. Riêng anh bạn Trần Đình Hượu vốn điềm đạm, thích suy tư thì bào “Để ta suy nghĩ thêm”. Rồi cũng chả ai giải đáp, ai tổng kết, chúng tôi mỗi người nghĩ một cách và chắc hẳn đến bây giờ có lẽ cũng có lúc nào đó đã cố tìm cho mình một lời giải đáp mới mẻ hơn, gần gủi với tư tưởng của thầy cách đây đã non 60 năm. Song ấn tựợng chung của chúng tôi thầy là uyên bác uyên thâm, làm chủ tận ngọn nguồn kho tàng văn hóa châuÂu, thầy là nhà khoa học luôn đi tìm cái mới.   
                           *
            Tư duy phản bác là phẩm chất của nhà khoa học chân chính . Ơ Thầy tư duy phê phán và phản bác là nét phẩm chất đáng quí ở người trí thức luôn tôn trọng và bảo vệ chân lí. Ngày nay chúng ta nói dạy đại học là phải nêu vấn đề để rèn tư duy, dạy đại học là dạy phát hiện vấn đề. Muốn thế thì ông thầy phải là người luôn trăn trở tìm tòi khoa học đẻ dẫn dắt học trò của mình. Nhà khoa học không chịu dễ dàng chấp nhận chân lí có sẵn mà luôn nghi nghờ (doute scientifique) phản bác để đi đến chân lí cao hơn. Phong cách sư phạm của thầy hiện đại là vậy. Phong cách đó cũng thể hiện bản chất con người khoa học ở thầy, con người không chịu bằng lòng với cái đã có sẵn “ Luật sư sinh ra để cãi” như thầy từng nói. Tôi nhớ một tuyên ngôn cuả thầy Trương Tửu cách đây hơn 60 năm: Trí thức là phản kháng. Tư tưởng này đã làm rầy rà khổ sở cho thầy biết bao nhiêu chuyện . Gần đây một tác giả Việt Nam bàn về Văn hóa và phát triển đã phân ra 3 loại trí thức. Ông ta đánh giá cao loại trí thức thứ 3 là loại trí thức biết phản kháng. Tôi nghĩ thầy Nguyễn Mạnh Tường trong bản chất là nhà khoa học chân chính luôn biết phản kháng lại cái cũ, cái xấu, cái chưa thật tốt đẹp để vươn theo khát vọng dân chủ và nhân văn. Chúng tôi ra trường không có cơ hội được gặp lại thầy. Nhưng tôi nghĩ phát ngôn về dân chủ của thầy mà một thời bị phê phán, thực chất chẳng có gì là sai trái. Thầy nói: Đảng viên Lao động và cán bộ thi hành chính sách thiếu tinh thần dân chủ. Do đó xa lìa quần chúng và tạo ra tình trạng đối lập quần chúng với mình. Để sửa đổi cần xây dựng quan điểm quần chúng cho đảng viên và cán bộ và yêu cầu Trung ương Đảng và Chính phủ đảm bảo sự thi hành triệt để các tự do dân chủ. Quần chúng chưa thấm nhuần tinh thần chủ nhân ông trên đất nước do đó chưa tranh dấu đòì thực hiện dân chủ. Để sửa chữa ta cần xây dựng ý thức dân chủ cho quần chúng ………. )
          Xét cho cùng thì phản kháng không chỉ là phẩm chất riêng của người trí thức. Có lẽ là của mọi con người chân chính, đúng nghĩa con người. Cho phép tôi nói một chút về cha tôi. Ông không phải là trí thức, chẳng được học hành gì. Ông yêu nước giác ngộ cách mạng và cùng Trần Phú được cử sang dự lớp huấn luyện Quảng Châu của Bác Hồ. Học xong về nước đi vô sản hóa. Làm cu-li xe ở Sàigòn, làm thợ hồ ở Patxế( Lào) theo yêu cầu của Đảng. Vào tù ra tội luôn trung thành. Cuối đời có mấy tờ báo, cuốn sách mà ông thích nhất giữ gìn mãi rồi cũng phải bán đi để có tiền chợ. Ẩn nhẫn, không hề kêu ca. Là anh giáo nghèo thời bao cấp, tôi thương cha mà bất lực nhưng ông an ủi tôi:” Thế hệ bố là thế hệ hi sinh. Con yên tâm”. Ông trung thành như thế, chịu đựng đến thế nhưng mãi cho đến những năm tháng cuối đời, Ông cũng biết nói ra cái không bằng lòng ở đời. Trong buổi cơm thân mật cuối cùng với Bác Tô, người bạn tù Côn Đảo đang làm Thủ tướng, ông đọc bài thơ xuân mới viết năm ấy. Có mấy câu như sau: “Bác Hồ thế thượng vô song, Mấy ai thờ phụng làm theo Bác Hồ. Nghèo đói còn hành người trung hậu, Phú quý chưa rời lũ bất lương, Bác ơi thương lắm đàn con cháu.”. Thế đấy con người chân chính nào trước sau cũng phải biết phản ứng và nói ra phản ứng trước cái xấu. Dĩ nhiên là đừng quên cái đẹp cái hay ta đã giành được.
           Tôi nghĩ độ lùi thời gian càng xa, chúng ta càng có điều kiện nhìn nhận lại nhiều điều tưởng như đã có kết luận cuối cùng, nhất là đối với trí thức. Trí thức là hay dằn vặt, hay đặt vấn đề, hay phản ứng, hay tìm tòi. Thì Aragon từng có câu nổi tiếng thế giới về Đảng cộng sản “Người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” nhưng trong tập “Những người Cộng sản”, có phải Ông đã viết một chiều, xuôi chiều đâu. A. Gide viết gì làm gì sau chuyến đi Liên xô về chúng ta đã từng biết … Xơnge - nhétxin viết “Một ngày của Ivan”… và còn nhiều người nữa. Gần đây có dư luận xung quanh truyên “Ba người khác” của Tô Hoài, “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường và một vài tác phẩm khác nữa cũng viết theo cách nhìn và cảm hứng mới về cái thời đã qua. Tôi nghĩ người trí thức như thầy Nguyễn MạnhTường trải qua 60 năm đi với cách mạng mà về già nghèo khổ có lúc ra chợ mua mớ rau muống, trên đường về nhà gặp triết gia Trần Đức Thảo cũng trên tay mớ rau muống, hai người lặng lẽ lánh mặt nhau… Nghe kể mà xót xa... Thời sơ tán công tác ở Viện khoa học giáo dục cũng cọc cạch chiếc xe đạp, cũng củ khoai nắm cơm đạm bạc với ngọn đèn dầu, vẫn cặm cụi say mê cho ra 3 công trình Lí luận về giáo dục châu Âu: Từ Erasme đến Rousseau (1994) , Eschyle và bi kịch cổ đại Hilạp (1996), Virgile - nhà thơ vĩ đại của thời kì La mã cổ đại (1996) hơn một ngàn trang sách đúng 2 năm trước khi qua đời… Tôi nghĩ về sau có lúc nào, người tri thức ấy có ghi lại điều này điều nọ mình từng găp từng chứng kiến, từng trải nghiệm về cuộc đời, về thân phận cũng là điều dễ hiểu và dễ chấp nhận. Có khi lại là một điều hay nữa là khác.
               Tổng Bí thư Đỗ Mười thay mặt cho Đảng Cộng sản ghi vào sổ tang ngày thầy ra đi vào cõi vĩnh hằng như sau:  “Vô cùng thương tiếc giáo sư - luật sư Nguyễn Mạnh Tường - Một trí thức yêu nước đã có cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, góp phần xây dựng nền giáo dục của Việt Nam”. Đó là sự vinh danh cuộc đời đẹp đẽ đáng tôn vinh của người trí thức chân chính, tài ba, tự nguyện dấn thân cùng nhân dân trong sự nghiệp chung của dân tộc và đã để lại những cống hiến đáng quí trên nhiều lĩnh vực văn hóa giáo dục, luật học, văn học và chính trị. Chúng ta tự hào về Thầy, Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chúng ta tự hào có được một người như Thầy, đất nứơc ta tự hào có đựợc môt trí thức như Thầy - Giáo sư - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường.
                         Bệnh viện Hữu Nghị, ngày 26 - 29 tháng 11 năm 2009
P.T.L

 

 


Source: 
04-10-2011
Tags