Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI TRIỂN KHAI BỒI DƯỠNG MÔ ĐUN 5 CHO GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG CỐT CÁN


06-11-2021

Thực hiện Công văn 1681/ĐHSPHN-ETEP ngày 19/10/2021, sáng hôm nay 6/11/2021 đã diễn ra hoạt động bồi dưỡng mô đun 5 theo hình thức trực tiếp qua lớp học ảo cho hơn 1200 giáo viên phổ thông cốt cán cấp Tiểu học của 4 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Đây là một trong bốn đợt tập huấn được Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức nhằm mục đích bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán về công tác tư vấn, hỗ trợ cho học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học. Ba đợt bồi dưỡng tiếp theo sẽ diễn ra trong các ngày: 9-10/11/2021 và 23-24/11/2021 cho 2400 giáo viên phổ thông cốt cán cấp Trung học; 27-28/11/2021 cho hơn 1100 giáo viên cốt cán cấp Tiểu học thuộc các các tỉnh/thành phố do Nhà trường được phân công phụ trách.

Đồng hành với giáo viên phổ thông cốt cán trong mô đun 5 là hơn 90 giảng viên sư phạm chủ chốt của Nhà trường. Ban tổ chức đã phân công mỗi lớp học được phụ trách bởi 02 giảng viên sư phạm chủ chốt, trong đó 01 giảng viên chuyên ngành Tâm lý học - Giáo dục học và 01 giảng viên chuyên ngành về phương pháp dạy học bộ môn. Với đặc thù của mô đun 5, sự sắp xếp giảng viên như vậy nhằm tạo điều kiện tối ưu để 2 giảng viên có thể phát huy trọn vẹn năng lực của mình cũng như phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để giúp giáo viên phổ thông cốt cán ngoài việc lĩnh hội kiến thức và kĩ năng tư vấn, hỗ trợ học sinh nói chung, còn có thể tích hợp những kiến thức và kĩ năng đó trong hoạt động giáo dục và dạy học các môn học sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Trường ĐHSP Hà Nội được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu bồi dưỡng mô đun 5 và là trường đầu tiên tiến hành bồi dưỡng mô đun này cho giáo viên phổ thông cốt cán nên được sự tin tưởng của Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương, trong hai đợt tập huấn đầu tiên nhà trường đã được chọn 4 lớp học có sự tham gia của các bên liên quan để dự giờ và rút kinh nghiệm. Tham gia các lớp tập huấn này ngoài giáo viên phổ thông cốt cán cấp Tiểu học và Trung học (đã được phân công theo quy định) còn có sự tham dự của đại diện: Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương, Vụ/Cục của Bộ GD&ĐT, Ngân hàng Thế giới và giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm khác. Sau khi dự lớp bồi dưỡng rút kinh nghiệm, Ban Quản lý ETEP Trung ương cùng các trường sư phạm sẽ trao đổi, rút ra nhiều bài học giá trị khi tổ chức quản lý và triển khai các hoạt động bồi dưỡng mô đun 5 cho giáo viên phổ thông cốt cán cả nước trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội quý để Ban tổ chức - Ban Quản lý Chương trình ETEP Trường ĐHSP Hà Nội có thể nhận được những ý kiến trao đổi, đóng góp của các cấp quản lý và các trường để triển khai tốt hơn ở những đợt bồi dưỡng tiếp theo.

Để đảm bảo vấn đề kỹ thuật trong quá trình bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo, đội ngũ kỹ thuật của Trường ĐHSP Hà Nội và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel đã được phân công để có thể hỗ trợ kịp thời cho đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia tập huấn. Đồng thời, nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động bồi dưỡng, ở tất cả các lớp tập huấn đều có sự tham gia giám sát của bộ phận giám sát, đánh giá thuộc Ban Quản lý ETEP Trung ương, Trường ĐHSP Hà Nội và sự đồng hành của chuyên viên các Sở GD&ĐT.

Dưới đây là một số hình ảnh các lớp tập huấn - bồi dưỡng mô đun 5 cho giáo viên phổ thông cốt cán trong ngày học đầu tiên:

Ban truyền thông ETEP – HNUE

06-11-2021