Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Tọa đàm và ra mắt sách “Văn học như một diễn ngôn - Lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault và văn học sử Việt Nam”


24-12-2024

Chiều ngày 23 tháng 12 năm 2024, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã tổ chức thành công buổi tọa đàm và ra mắt sách “Văn học như một diễn ngôn - Lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault và văn học sử Việt Nam” tại Dynamic Café (Trung tâm Sách Nhà xuất bản Đại học Sư phạm). Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên yêu thích lĩnh vực nghiên cứu văn học và lí thuyết diễn ngôn.

Chương trình tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi với sự góp mặt của các nhà khoa học, bao gồm: PGS.TS. La Khắc Hòa, nguyên Trưởng Bộ môn Lí luận văn học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội; và tác giả cuốn sách, PGS.TS. Trần Văn Toàn, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hình 1: Tọa đàm và ra mắt sách “Văn học như một diễn ngôn - Lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault và văn học sử Việt Nam”

Hình 2:  PGS.TS. Nguyễn Bá Cường, GĐ-TBT Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tặng hoa chúc mừng tác giả

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ quan điểm sâu sắc về những vấn đề cốt lõi của lí thuyết diễn ngôn của Michel Foucault, đồng thời làm sáng tỏ những ứng dụng của lí thuyết này trong việc nghiên cứu văn học sử Việt Nam. Các chủ đề được thảo luận không chỉ xoay quanh tư tưởng của Foucault, mà còn mở rộng tới những hướng nghiên cứu mới mẻ trong việc áp dụng lí thuyết này vào phân tích các tác phẩm văn học Việt Nam, qua đó làm phong phú thêm bức tranh tổng thể về văn học sử nước nhà.

Hình 3: Buổi tọa đàm có góp mặt của nhiều thầy cô, chuyên gia và nhà nghiên cứu

Buổi tọa đàm đã mở ra những khám phá mới về phương pháp nghiên cứu văn học, đặc biệt là việc vận dụng lí thuyết diễn ngôn của Foucault như một công cụ trong việc nghiên cứu văn học Việt Nam và ứng dụng của nó trong nhiều ngành khoa học khác.

Hình 4: Tác giả PGS.TS. Trần Văn Toàn trình bày về công trình nghiên cứu của mình

PGS.TS. Phạm Xuân Thạch chia sẻ rằng đây có thể coi là một trong những công trình về lí thuyết đáng đọc nhất trong khoảng 5-10 gần đây. Bởi dù đây không phải những công trình đầu tiên về Foucault, hậu hiện đại hay diễn ngôn, nhưng công trình của PGS.TS. Trần Văn Toàn lại có độ trễ cần thiết để tổng thuật lại các công trình trước đây thành các công thức cho người nghiên cứu ứng dụng, làm phong phú thêm lí thuyết nghiên cứu văn học.

Khi đọc công trình, ta thấy tác giả đã đứng trên 3 góc nhìn: một người làm lí thuyết, một người nghiên cứu lịch sử văn học và một nhà phê bình văn học. Một điểm thú vị ở công trình là tác giả kể câu chuyện về M.Foucault một cách khách quan và quan sát chi tiết, phân tích cả quá trình hình thành lí thuyết diễn ngôn của Foucault, thậm chí sự ngập ngừng của ông khi tiếp cận lí thuyết.

Hình 5: PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS. La Khắc Hòa chúc mừng PGS.TS Trần Văn Toàn đã thành công trong việc khẳng định vị thế là một nhà khoa học và đánh giá cuốn sách là một công trình nghiên cứu đột phá trong việc áp dụng lí thuyết diễn ngôn vào việc nghiên cứu văn học sử Việt Nam. Ông cho rằng đây là hướng đi mới mẻ, giúp nhìn nhận lại lịch sử văn học Việt Nam từ những góc độ đa chiều, mở rộng biên độ nghiên cứu và mang lại cái nhìn toàn diện về mối quan hệ văn học sử và điểm nhìn lí thuyết. PGS.TS. La Khắc Hòa cũng góp ý thêm về hướng mở rộng đề tài và mở rộng hướng nghiên cứu về lịch sử văn học.

Hình 6: PGS.TS. La Khắc Hòa, nguyên Trưởng Bộ môn Lí luận văn học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia thảo luận, đưa ra lời bình về cuốn sách. Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng nhận định rằng cuốn sách không chỉ có giá trị lí thuyết mà còn có giá trị thực tiễn lớn đối với các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam trong tương lai.

Hình 7: GS.TS.NGND. Trần Đình Sử đóng góp ý kiến tại tọa đàm

Hình 8: GS.TS.NGND Trần Đăng Suyền phát biểu tại tọa đàm

Hình 9: PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Sách giáo khoa Ngữ văn bộ Cánh Diều phát biểu chúc mừng tác giả và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm

Hình 10: Câu hỏi của giảng viên Khoa Ngữ văn về mấu chốt lí thuyết diễn ngôn M.Foucault

Hình 11: Giảng viên Khoa Ngữ Văn đóng góp câu hỏi thảo luận tại tọa đàm

Cuối cùng, tác giả - PGS.TS. Trần Văn Toàn gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc tới những người thầy đã trực tiếp giảng dạy, gia đình, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã tạo điều kiện để tác giả hoàn thành công trình và lan tỏa giá trị cuốn sách tới bạn đọc.

Hình 12: Các diễn giả, khách mời và người tham gia chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả

Hình 13: Tác giả PGS.TS. Trần Văn Toàn cùng gia đình

Hình 14: Tác giả tặng hoa tri ân Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Hình 15: Tác giả tặng hoa cảm ơn đội ngũ Nhà xuất bản Đại học Sư phạm

Buổi tọa đàm và ra mắt sách “Văn học như một diễn ngôn - Lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault và văn học sử Việt Nam” đã thành công tốt đẹp, mang đến cho các nhà nghiên cứu và người tham gia một cái nhìn mới về mối quan hệ giữa lí thuyết diễn ngôn và nghiên cứu văn học sử Việt Nam. Cuốn sách của PGS.TS. Trần Văn Toàn không chỉ đóng góp vào kho tàng lí thuyết văn học, mà còn mở ra những hướng nghiên cứu sáng tạo và độc đáo, góp phần làm phong phú thêm hiểu biết về nghiên cứu văn học Việt Nam.

Ban truyền thông NXB ĐHSP


24-12-2024
Related