Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

GS.BS Nguyễn Trinh Cơ và bé Ngọc (Trịnh Ngọc Trình) - Nguyên Bí thư Đoàn trường thời kỳ “Ba sẵn sàng”


14-03-2011
Cái tên “bé Ngọc” và Trịnh Ngọc Trình đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” chống Mỹ, cứu nước. Tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tự hào có được người đồng chí, người Thầy thực tiễn của phong trào thanh niên. Chương trình giao lưu truyền hình “Tiếp bước Ba sẵn sàng” sắp được diễn ra. HNUE trân trọng giới thiệu bài viết cảm động của Kiều Mai Sơn về kỷ niệm không bao giờ quên của bé Ngọc với GS.BS Nguyễn Trinh Cơ.

 

GS.BS Nguyễn Trinh Cơ

 (1915 - 1985).

 
 
 
GS.BS Nguyễn Trinh Cơ và ca mổ cho cậu bé liên lạc năm xưa
 
"Năm 1962, tôi được Trường Đại học Y khoa Hà Nội mời sang dự Đại hội Đoàn của trường. Một người bạn thân của tôi đã bắc lên một chiếc cầu kiều cho cậu bé liên lạc năm xưa và bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ được gặp lại nhau sau 12 năm trời xa cách… Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ và tôi cùng chạy lại ôm chầm lấy nhau, nước mắt trào ra không sao kìm lại được".

"Đây không phải là một thiên "tiểu thuyết". Chuyện em Ngọc kể ra chỉ cốt ghi lại một kỷ niệm trong đời sống kháng chiến của một người thầy thuốc. 

Lúc ấy tôi nhìn kỹ vào cáng: một thân hình nhỏ bé thu gọn vào lòng cáng, chiếc chăn màu xám phủ kín người, để lộ ra khuôn mặt đầy đặn, sáng sủa của một cậu bé khoảng 11, 12 tuổi…

Tôi nói lảng, bằng một giọng cố bình tĩnh để giấu một nỗi buồn: "Khuỷu tay em đã nát, không cách gì cứu chữa được".

… Em Ngọc giãy giụa mạnh, những câu nói dồn dập: "Thực dân nó bắn gãy tay tôi rồi! Hu hu… Nước tôi còn đánh nhau với nó kia mà! Để tay cho tôi, để tôi đánh nó!...".

Trong một phút, tất cả nhân viên trong phòng mổ đều ngừng tay. Người nào cũng cố nhìn ra chỗ khác. Một vài chị cứu thương quay mặt đi, lấy vạt áo giấu giếm thấm dòng nước mắt.

Các chị cứu thương cho biết, nhiều lúc vắng người, em hay làm nũng mẹ… Làm nũng mẹ có lẽ là bản tính tự nhiên của tất cả các trẻ em.

Người tò mò đọc những dòng trên đây có lẽ cố tìm cho biết em Ngọc là ai, ở bộ đội nào…

Cái tên của em bé có quan hệ gì! Em là Ngọc, cũng có thể là Bình, là Hải, là Chương, là những em nhi đồng đang ghé đôi vai nhỏ bé chia một phần công việc kháng chiến cùng các anh nhớn tuổi.

Em Ngọc ở đâu, ở bộ đội nào? Chúng ta cần gì phải biết rõ! Một bộ đội nào chiến đấu ở trên đất Việt Nam này mà không có em Ngọc…".

Đoạn trích trên rút từ truyện "Em Ngọc" do GS.BS Nguyễn Trinh Cơ viết trong "Tuyển tập Văn thơ Cách mạng và kháng chiến", về sau được đưa vào "Tuyển tập Văn lớp 5" cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam học tập trong giai đoạn 1955-1975. Tôi đã nhiều lần đọc lại "Em Ngọc" và lần nào cũng bồi hồi cảm xúc. Dẫu biết rằng "Một bộ đội nào chiến đấu ở trên đất Việt Nam này mà không có em Ngọc…", tôi vẫn tò mò muốn đi tìm "Em Ngọc" là ai?

Thật bất ngờ, "Em Ngọc" không ở đâu xa lạ, đó chính là GS Trịnh Ngọc Trình - nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội - nơi tôi đã từng học tập. Hiện nay ông vẫn tiếp tục làm Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO).

GS.BS Nguyễn Trinh Cơ tiếp các bạn Pháp trong chuyến công tác sang Paris, năm 1956.

Trong tình cảm của người thầy giáo cũ và một học trò cũ của Trường ĐHSP Hà Nội, ông kể cho tôi nghe lại kỷ niệm về "Em Ngọc", về GS.BS Nguyễn Trinh Cơ.

Năm 11 tuổi, GS Trịnh Ngọc Trình làm liên lạc Đội viên Võ trang Tiểu đoàn 62, 87, Trung đoàn 34 chiến đấu ở Hà Nam Ninh - được Bác Hồ phong tặng danh hiệu "Trung đoàn Tất Thắng".

Một hôm, tôi được nghe anh em kể chuyện với nhau: Bệnh viện dã chiến trung đoàn vừa có một ông bác sĩ như Hoa Đà: Mổ bụng gắp ra một viên đạn còn nguyên, bóng như kỳ xà phòng rồi khâu bụng lại mà dăm bữa đã ra viện về đơn vị chiến đấu thì lạ quá.

Họ kháo nhau rằng ông bác sĩ ấy tên là Nguyễn Trinh Cơ, người to cao, trắng như con gái, thư sinh, trí thức lắm. Tin vui chiến thắng dồn dập, tin bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ phụ trách bệnh viện dã chiến giỏi như Hoa Đà làm nức lòng binh sĩ Trung đoàn 34.

Tôi bị thương trong chiến dịch chặn đánh quân địch ở thị xã Ninh Bình. Vào lúc nửa đêm, tôi đang trên đường mang mật lệnh chiến đấu đến các đơn vị bộ đội thì bị địch phục kích đuổi theo bắn tiểu liên và sau đó cả moóc - chiê nổ dữ dội, địch muốn bắt sống để moi tin tức. Tôi cho tờ mật lệnh vào mồm, rồi ném một quả lựu đạn chặn địch.

Tôi vọt qua đê luồn theo các ruộng lúa, ruộng mía, tay phải nắm lấy tay trái đã bị đạn địch bắn nát, lần về đơn vị. Sau khi truyền đạt xong mật lệnh, tôi ngất đi.

Tôi được chuyển về bệnh viện dã chiến, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đến bên tôi, động viên: "Tay em nát hết rồi, nhiễm trùng rất nặng, phải cưa ngay kẻo nguy hiểm đến tính mạng".

Tôi trả lời: "Thưa bác sĩ, em không sợ chết. Nhưng nếu cưa tay em thì ra viện phải cho em về đơn vị tiếp tục chiến đấu, cùng đồng đội đánh đuổi hết quân xâm lược… Còn bọn thực dân, em chưa chết được đâu bác sĩ ạ".

Ai nói cho hết những nỗi lo lắng, băn khoăn trong lòng người thầy thuốc lúc quyết định đường đi cho lưỡi dao, mũi kéo. Trong cái khoảnh khắc cân nhắc, suy tính ấy, người thầy thuốc thấy đè trĩu trên vai cái trách nhiệm về đời hoạt động tương lai của người bệnh trong tay mình cứu chữa.

Sau ca mổ của bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ, tôi dưỡng thương một thời gian rồi lại tiếp tục ra chiến đấu ngoài mặt trận. Tôi bặt tin bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ từ đó.

Cuộc đời người chiến sĩ đang say mê với những cuộc hành quân chiến đấu thì tôi được đoàn thể cử sang Trung Quốc học tập. 

Thế là từ người lính cầm súng, tôi trở thành người thầy giáo cầm bút chiến đấu xây dựng đất nước. Sau nhiều năm dài dạy học ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, tôi được về ĐHSP Hà Nội học tập rồi trở thành người giảng viên đại học và Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội.

Năm 1962, tôi được Trường Đại học Y khoa Hà Nội mời sang dự Đại hội Đoàn của trường. Anh Đỗ Nguyên Phương, người bạn thân của tôi đã bắc lên một chiếc cầu kiều cho tôi và bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ được gặp lại nhau sau 12 năm trời xa cách… Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ và tôi cùng chạy lại ôm chầm lấy nhau, nước mắt trào ra không sao kìm lại được.

Tôi xúc động phát biểu: "Thưa các đồng chí và các bạn, "Em Ngọc" ngày xưa nay đã trở thành một người chiến sĩ, một cán bộ Đoàn, một đảng viên Cộng sản, một trí thức mới, ngoài phần phấn đấu của mình tất nhiên phải có sự giáo dục, rèn luyện, đào tạo của Đảng, Đoàn, Quân đội và Nhà trường. Nhưng nếu tôi không được bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ và các thầy thuốc cứu sống khi bị thương ở mặt trận thì bây giờ tất cả những danh hiệu kia đều không có được".

 

Vì thế có thể nói: "Đối với mỗi người thương binh như chúng tôi, tất cả những ý nghĩ hay, những lời nói đẹp, những việc làm tốt trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của mình đều có Đảng, Bác Hồ, Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tất nhiên không thể thiếu vắng hình ảnh của người thầy giáo và người thầy thuốc". Năm 1985, tin GS.BS Nguyễn Trinh Cơ qua đời làm tôi bàng hoàng. Tôi bỗng nhớ đến hình ảnh ông đội nón lá, mặc áo tơi, chân lội bùn đến bệnh viện dã chiến khám bệnh cho anh em thương binh chúng tôi đang ngóng chờ và hy vọng. Tôi tự nghĩ: Ai mang lại nhiều niềm vui, nhiều hy vọng cho người khác thì họ sẽ được người đời nhớ mãi. Cái gì tạo nên niềm vui và hy vọng cho cuộc sống? Có lẽ đó là ngọn lửa của Tình người và Lao động.

 

Anh Đỗ Nguyên Phương nắm lấy tay tôi rồi rỉ tai: "Trình nhìn lại xem, đến ngã tư này (ngã tư Bệnh viện 108) mà tận cổng Trường Đại học Y khoa dòng người vẫn như dòng sông ùn ùn chảy theo không ngừng. Cụ đang được gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, học trò, bệnh nhân đưa về Văn Điển sống với nhân dân. Người hiền tài như cụ nhập hộ khẩu ở thế giới bên kia nhanh lắm! Chết như cụ sướng thật: Bên này đưa, bên kia đón. Một số thằng sống bây giờ đầy lo âu, bất tài, vô hạnh chết mấy ai đưa, bên kia không ai đón, sống bơ vơ và chờ xét nhập hộ khẩu không phải là dễ! Đúng là có cái chết lại gieo mầm sự sống. Thầy Cơ là người như thế đấy".

Tôi gật đầu hưởng ứng: "Ai cho Đời, cho Người tất cả, khi ra đi Người và Đời lại đem đến trả tất cả. Người đó bỗng trở nên giàu có, sang trọng". Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ là một người như thế.

GS.BS Nguyễn Trinh Cơ sinh ngày 15/3/1915 trong một gia đình viên chức (tại Thanh Hóa), mất ngày 24/3/1985 thọ 70 tuổi. Năm 1943 ông đã tốt nghiệp khóa thứ 4 bác sĩ nội trú các bệnh viện Hà Nội cùng với các Giáo sư Nguyễn Thúc Tùng, Phạm Biểu Tâm, Đặng Văn Chung, Hoàng Đình Cầu...

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), ông là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành Quân y cách mạng Việt Nam. Là Đội trưởng Đội điều trị tiền phương, ông đã trực tiếp cứu chữa nhiều thương binh trong các chiến dịch Phủ Thông, Nà Phặc, Cao Bắc Lạng, Hoàng Hoa Thám… Là Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ - tiền thân của Học viện Quân y ngày nay - ông đã có công đào tạo cho quân đội khóa quân y sĩ đầu tiên kịp thời phục vụ cho các chiến sĩ và quân nhân ở các mặt trận.

Trong hoàn cảnh khó khăn của những ngày đầu kháng chiến, ông đã kịp thời biên soạn cuốn sách "Những điều cần biết về phẫu thuật trong thời kì chiến tranh". Cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt này đã trở thành cẩm nang để trong ba lô của các phẫu thuật viên đi khắp các chiến dịch (…)

Hòa bình lập lại (1954-1955), ông về công tác tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội. Ở đây, ông đảm nhiệm các chức vụ: chủ nhiệm bộ môn Ngoại, Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy trường, Chủ tịch Hội đồng Ngoại khoa Việt Nam, ông là linh hồn và là ngọn cờ của trường với công đầu trong việc duy trì và xây dựng phát triển nhà trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở hai nhiệm vụ: Khoa học Giáo dục và Khoa học Y học (…).

Tháng 8/1945, khi cách mạng bùng nổ, đang là bác sĩ phẫu thuật ở Bệnh viện Nam Định, ông đã được cử làm Giám đốc Bệnh viện Nam Định, Ủy viên UBND tỉnh Nam Định. Năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi được cử làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam Định.

Ông là Viện trưởng Viện Phẫu thuật Trung ương, Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ Việt Bắc (tiền thân của Học viện Quân y ngày nay), Tổng Biên tập Tạp chí Y học Việt Nam xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; Phó Chủ tịch Hội Y học (nay là Tổng hội Y học Việt Nam); Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam.

Do những cống hiến của mình, GS.BS Nguyễn Trinh Cơ đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000…

 

Kiều Mai Sơn 

 Theo: www.cand.com.vn

Một số hình ảnh về người chiến sĩ, người thủ lĩnh Đoàn trường, Giám đốc Trịnh Ngọc Trình:
 
Đồng chí Trịnh Ngọc Trình hồi trẻ.

Bí thư Đoàn trường Trịnh Ngọc Trình tuyên bố phát động phong trào “Ba sẵn sàng” (30/4/1964) tại Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.

Bí thư Đoàn trường Trịnh Ngọc Trình vui văn nghệ cùng đoàn viên.

Bí thư Đoàn trường Trịnh Ngọc Trình cùng GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn trong Hội thi nghiệp vụ sư phạm của Trường. 

Giám đốc HEDO bây giờ.

Giám đốc HEDO vui khi nghĩ về những điều làm được giúp đồng bào miền núi phát triển văn hóa - giáo dục, y tế.

GS.TS Nguyễn Viết Thịnh tặng hoa chúc mừng cựu Bí thư Trịnh Ngọc Trình nhân ngày kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Cựu Bí thư Đoàn trường Trịnh Ngọc Trình phát biểu tại Đại hội Đoàn trường khóa XV.

 

GS.TS Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội và đồng chí Nguyễn Bá Cường tặng hoa cựu Bí thư Trịnh Ngọc Trình và các cán bộ lãnh đạo Đoàn TN thời kỳ "Ba sẵn sàng" (ảnh: Đoàn TN ĐHSPHN)

 

 

14-03-2011