Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Lai rai với “bạn nhà nông” - Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng


18-05-2011
TP - Không có người dẫn chương trình nào… ít đẹp trai, giọng khản đặc mà tần suất “lên hình” lại dày đặc, giải đáp vô số thắc mắc của khán giả, như Nguyễn Lân Hùng. Phục vụ người nghèo chẳng cần ký giấy công lệnh, bao nhiêu năm qua ông vừa là thầy vừa là trò, là bạn cùng nông dân.

TP - Không có người dẫn chương trình nào… ít đẹp trai, giọng khản đặc mà tần suất “lên hình” lại dày đặc, giải đáp vô số thắc mắc của khán giả, như Nguyễn Lân Hùng. Phục vụ người nghèo chẳng cần ký giấy công lệnh, bao nhiêu năm qua ông vừa là thầy vừa là trò, là bạn cùng nông dân.

 

 

Hay bị gọi nhầm là giáo sư !
Cùng đi với chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, chúng tôi thường chịu chung cảnh chèo kéo chụp hình, cùng hưởng ké sự chào mời niềm nở. Vào quán, ra chợ, lội ruộng, lên rẫy, chỉ cần một người phát hiện kêu lên “Ôi Bạn Của Nhà Nông kìa!”, lập tức cả vòng người xúm xít xung quanh.
Hỏi gì ông cũng trả lời được, xoay quanh các vấn đề muôn thuở mà nhà nông quan tâm như giống, cây, con, cách chăm sóc chữa bệnh cho chúng. Điều gì chưa thể giải đáp ngay, ông cẩn thận ghi số điện thoại người hỏi, tìm hiểu thấu đáo rồi chủ động gọi lại.
Ông chẳng tự nhận việc mình làm là quan trọng, dù thực tế những gợi ý và hướng dẫn của người thầy đi nhiều hiểu rộng, biết thương biết quý nông dân này đã giúp không ít nông hộ thoát nghèo, trở nên khá giả.
Ít người biết chẳng có cơ quan đoàn thể nào chi kinh phí cho kiểu làm việc dã chiến, lưu động đầy hiệu quả của nhà khoa học có học vị khiêm nhường nhất trong đại gia đình giáo sư Nguyễn Lân. Hỏi vậy chứ tiền đâu để ông đi đến các miền quê quanh năm suốt tháng? Ông cười khùng khục: Cước điện thoại vợ trả. Đi lại và cơm nước từ túi móc ra và dân nuôi.
Có lẽ “nhuận miệng” từ Đài khá nhỉ ? Mình chẳng quan tâm. Lâu lâu Đài chuyển một lần vào tài khoản. Nhưng lương chính vẫn ở cái chân giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội đấy chứ!
Trong phóng sự “Chuyện tỉ phú Mười Bơ”, tôi viết từ lời khuyên của “giáo sư Nguyễn Lân Hùng” mà Trịnh Mười quyết tâm mày mò tìm cách ghép giống bơ quý, và đã ghép thành công. Gặp tôi, ông cười hóm hỉnh, nhiều người chẳng hiểu sao cứ ưu ái phong cho ông học hàm giáo sư ! Tôi tròn mắt kinh ngạc, thưa vì nghe bao nhiêu người gọi thế, thậm chí ngay bây giờ có vào Google gõ trơ trụi “Nguyễn Lân Hùng” cũng vẫn thấy chi chít chữ “giáo sư”, hoặc “GS” đứng trước tên ông.
Cả nước này có 2 cử nhân hay được gọi nhầm kiểu đó, là tôi và ông Dương Trung Quốc. Chỉ là cử nhân nhưng tôi lại bị ấn vào cái ghế Tổng thư kí các hội sinh học Việt Nam, giảng viên khoa Sinh học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, còn ông Dương Trung Quốc cũng không thoát khỏi cái ghế Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay. Chắc vì mớ chức tước đó nên người ta cứ nhầm !
Thế gọi ông là gì thì đúng nhất ạ ?
Gọn nhất, là Hùng! Còn không thì cứ gọi là chuyên gia hay bạn của nhà nông cũng được! Tôi là nhà sinh học. Nông dân muốn trồng cây gì nuôi con gì cũng phải hiểu đặc tính sinh học của chúng. Tôi thấy mình có ích khi giúp họ.

 Thất bại ốc bươu vàng!

Tại nhiều hội thảo còn nhiều ý kiến phản đối việc cho phép nuôi động vật hoang dã. Thế mà từ hàng chục năm qua ông đã hướng dẫn nông dân nuôi đủ loại ĐVHD, vì sao?
Thử nghĩ xem, từ năm ngoái danh sách các loài động vật hoang dã sắp bị tuyệt chủng của Việt Nam đã vượt quá bốn trăm loài. Rõ ràng mức độ đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, việc gây nuôi sinh sản ĐVHD vừa giúp nông dân làm giàu, vừa nhằm bảo tồn nguồn gen. Tất nhiên để chủ trương này không bị lợi dụng làm trái, thì phải kèm theo những quy định chặt chẽ về pháp lý, về kỹ thuật.
Có bao giờ ông nhìn lại qúa khứ, thấy mình lỡ đưa ra lời khuyên sai lầm nào không?
Có chứ ! Nguyên nhân thường do chủ quan. Do nói vội quá khiến người nghe chưa hiểu đến nơi đến chốn, triển khai không thành, bị chê trách. Bèn rút ra bài học: Cẩn tắc vô áy náy! Việc gì cũng phải thận trọng, dặn dò cẩn thận. Hơn nữa, khi triển khai cái mới nên kêu gọi mọi người cùng tham gia, không lấn sân.
Ông liên quan thế nào đến việc khuyến khích dân nuôi ốc bươu vàng, dẫn đến nạn dịch ốc lan tràn khắp đồng ruộng, khiến ngành nông nghiệp phải phát động chiến dịch diệt ốc?
Chuyện ốc bươu vàng đầu đuôi thế này: Ông Ánh giám đốc Cty Giống của Bộ Thủy sản sang Philippin, thấy nuôi ốc lãi quá, bèn nhập. Tiến sĩ Thủy sản Tạ Quang Ngọc học bên Nga về, khi đó là Thứ trưởng không phản đối. Không có con nào chỉ cần ăn bèo tấm bèo cám mà tạo ra thịt, ra sinh khối, chuyển từ thực vật ra động vật nhanh như con ốc bươu vàng. Mình cũng đi hướng dẫn dân nhiều nơi nuôi ốc bươu vàng theo chủ trương của Bộ Thủy sản.
Bắc Giang có cậu nuôi ba ba bằng ốc bươu vàng trong ao bèo khép kín, rất lãi. Lúc đó cả nước hào hứng nuôi. Sơ hở ở chỗ lẽ ra phải cảnh báo rất kỹ về việc không được để ốc bò lan ra ruộng. Không thấu đáo dẫn đến thất bại chính là ở chi tiết đó. Mãi cho tới khi Philippin phát lệnh cấm nuôi ốc trước, mình mới cấm sau.
Mê một câu nói của Quốc vương Thái Lan
Từ bao giờ ông về nông thôn tự nguyện năm- bảy cùng với nông dân?
Hơn hai mươi năm trước, có một cậu thanh niên tên Đinh Bá Cường đạp xe đội mũ rơm, dép chiếc xanh chiếc đỏ lên tìm tôi- giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm trường ĐHSP Hà Nội. Cường kể, anh được bố truyền nghề bắt ba ba. Bắt bao nhiêu Trung Quốc mua hết với giá cao, muốn nuôi ba ba mà chưa biết nuôi cách nào. Quý trọng sự cầu thị của Cường, tôi bảo "Về đi, hai tuần nữa lên đây tao dạy cho". Nhưng rồi tôi tìm mãi không ra tài liệu nào về ba ba.
Sang Trung tâm Thông tin gặp ông Hậu giám đốc hỏi có tài liệu nào về ba ba không, ông Hậu lắc đầu. Nhưng tình cờ dở cuốn danh bạ Thủy sản Đài Loan trên bàn ông Hậu thấy ngay hình vẽ con ba ba giữa mấy trang tiếng Anh, bèn phô tô về dịch, vỡ ra người Đài Loan đã nuôi ba ba từ năm 1921. Tôi không chờ Cường lên mà tuần nào tôi cũng đạp xe lóc cóc từ Hà Nội về Hải Dương bày cho Cường cách nuôi ba ba. Nhờ vậy hoàn thiện được quy trình nuôi ba ba. Đến con ếch cũng vậy.
Lên Hiệp Hòa Bắc Giang xem người ta thu mua, nuôi trữ ếch trong ao to chờ xuất sang Trung Quốc, cho ăn bằng sợi bột mì, bột gạo. Về tìm tài liệu đọc hết, đối chiếu, chỉnh sửa, nghiên cứu kỹ lưỡng rồi cho in ra sách hàng loạt nhỏ bằng lòng bàn tay. Khi 1992 sang Thái Lan, tặng sách cho bạn, bạn dâng vua. Vua Thái khen vì Ngài chính là Chủ nhiệm chương trình viết sách cho nông dân. Ngài dạy: Nông dân làm gì cũng phải có sách. Tôi mê câu nói đó!
Nhiều nông dân sản xuất giỏi khoe có thu nhập hàng trăm triệu nhờ mua được mấy cuốn sách siêu mỏng siêu rẻ của thầy Hùng?
Tôi bắt chước… Vua Thái. Vua giao trách nhiệm cho các nhà khoa học ra bộ sách dạy nghề cỡ lớn tới 500 cuốn cho nông dân, mỗi cuốn về một nghề, viết dễ hiểu kèm hình vẽ. Tôi đã đem về được 5-6 cuốn, mang lên cho đồng bào Thái trên Tây Bắc đọc, họ hiểu.
Cô sinh viên người Lào của tôi đọc được tiếng Thái, dịch cho tôi nghe. Từ đó, tôi quyết tâm vận động nhiều nhà khoa học khác cùng làm bộ sách giới thiệu 100 nghề hay cho dân mình. Tới nay đã xuất bản được 34 cuốn. Cái khó đầu tiên là không phải nhà khoa học nào cũng quen viết rõ ràng dễ hiểu, ngắn gọn và phù hợp với nông dân. Còn cái khó thứ hai …
Là gì ?
Là kinh phí! Tôi tiếc Nhà nước mạnh tay chi hàng nghìn tỉ cho dạy nghề, chưa có bộ sách nào hữu ích cho nông dân hơn bộ sách chúng tôi đang làm, mà chúng tôi lại không được hỗ trợ . Những người cầm tiền nhà nước không chủ động tìm chỗ đầu tư hữu ích nhất cho xã hội, mà buộc mà chờ người ta tìm đến mình để xin-cho.
Tại sao trong các hội nghị về dạy nghề, ông không lên tiếng ?
Có Hội nghị nào về dạy nghề mà tôi được mời dự đâu !?
Hoàng Thiên Nga

 

 

 

 

 
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng về với nông dân.

18-05-2011