Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

GS Nguyễn Quang Diệu: "Sẽ tập trung đào tạo các nghiên cứu sinh, để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản"


12-11-2011
Được công nhận là giáo sư (GS) ở tuổi 37, GS Nguyễn Quang Diệu, Phó Trưởng bộ môn Lý thuyết hàm - khoa Toán-Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã trở thành GS trẻ nhất Việt Nam năm 2011.

Trước đó, năm 2007 anh cũng là một trong hai PGS trẻ nhất. Lễ công nhận chức danh GS, PGS sẽ được tổ chức vào ngày 12-11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Nhân dịp này, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện ngắn với GS.

Thích chơi điện tử từ nhỏ

. Cha anh cũng là một người theo đuổi khoa học, vậy con đường mà anh đang đi có sự định hướng như thế nào từ phía gia đình?

+ GS Nguyễn Quang Diệu: Cha tôi là GS Nguyễn Văn Khuê, ông là tấm gương sáng để không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn trẻ làm khoa học nên noi theo. Con đường tôi đang đi có phần tôi được định hướng từ gia đình. Hơn thế, bản thân tôi từ nhỏ cũng là một cậu học sinh hay tò mò, thích đặt các câu hỏi phụ cho các bài toán, cho nên việc tôi chọn nghiên cứu toán học cũng là điều dễ hiểu.

. Anh là nhà khoa học dành nhiều tâm huyết cho toán học, ngoài thời gian nghiên cứu và giảng dạy, anh có đam mê trò giải trí nào không ?

+ Tôi thích chơi điện tử từ nhỏ. Có thể đối với tôi, làm toán lý thuyết và chơi điện tử có điểm chung là cho phép chúng ta thử nghiệm (ở một chừng mực nào đó) các ý tưởng, phương pháp mới mà không sợ hậu quả xảy ra trên thực tế nếu phương pháp đó thất bại (cười).

. Học hàm, học vị là một sự công nhận trong nghề nghiệp nhưng đồng thời đó cũng là áp lực cho người nhận nó, anh có bị áp lực không, khi ở tuổi đang còn trẻ, người ta dễ bằng lòng với những gì mình có?

+ Quả thật, khi biết mình đạt được chức danh GS, tôi có cảm giác vui mừng pha lẫn hụt hẫng vì chưa biết cụ thể cái đích tiếp theo của mình là gì. Lúc này đây tôi nghĩ mình sẽ tập trung vào việc đào tạo các nghiên cứu sinh, để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản mà hiện nay về số lượng còn tương đối khiêm tốn.

 

 

GS Nguyễn Quang Diệu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

. Đạt được danh hiệu PGS từ rất sớm và ở tuổi trẻ như vậy nhưng công chúng lại biết rất ít về anh, có vẻ như anh là người quá khiêm tốn?

+ Cũng có thể tôi là người ít nói về bản thân và cũng có thể những công trình của tôi chưa đủ gây tiếng vang. Hơn nữa, trình độ toán học của tôi hiện nay mới đang ở mức bắt nhịp với toán học hiện đại. So với những công trình ở đỉnh cao, tôi thấy mình đã bị tụt hậu ít nhất là 15 năm. Tôi hy vọng trong thời gian tới, sẽ đầu tư thêm để rút ngắn khoảng cách không nhỏ này.

Lối đi ngay dưới chân mình

. Có quan điểm cho rằng chỉ khi ra nước ngoài nhà khoa học mới có thể phát triển tài năng?

+ Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Đây cũng là điều hiển nhiên đối với những người từng có dịp đi ra nước ngoài nghiên cứu. Lấy ví dụ, năm 1997, khi sang Pháp làm luận án TS, tôi thấy các bạn sinh viên học những môn học thạc sĩ được các GS người Pháp, đều là các chuyên gia có tiếng tăm giảng dạy trực tiếp. Với một nền tảng giáo dục như vậy, các nhà khoa học quốc tế luôn có mặt bằng về khoa học cao hơn chúng ta.

. Theo anh, các nhà khoa học ở Việt Nam đang gặp khó khăn gì ?

+ Ở Việt Nam, tôi đã gặp nhiều bạn trẻ có năng khiếu và đam mê trong nghiên cứu toán học. Rất tiếc là trong môi trường nước ta hiện nay chưa có nhiều chuyên gia để các bạn trẻ có thể tiếp cận với các hướng nghiên cứu thời sự. Tuy nhiên, tôi cũng ghi nhận rằng gần đây Nhà nước đã có những đầu tư đáng kể cho nghiên cứu toán học (thành lập Viện Toán học cao cấp hay tài trợ các đề tài từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam NAFOSTED…).

. Khoa học bên cạnh là sự nghiệp và đam mê có còn đóng vai trò gì trong cuộc sống của gia đình anh?

+ Làm khoa học đơn thuần là làm theo ý thích của mình là chính, tuy nhiên với điều kiện là cuộc sống kinh tế đã được đảm bảo bằng những khoản “cứng”. Tôi có may mắn là làm khoa học và lấy những thành tựu đạt được của mình quy đổi ra những giá trị kinh tế. Tôi không biết bình luận về khái niệm làm kinh tế.

. Anh có “trang bị” cho mình một châm ngôn gì trong cuộc sống muốn truyền lại cho các bạn trẻ không?

+ Tôi thích câu châm ngôn “con đường đi ở dưới đôi chân của mình”….

. Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

GS Nguyễn Quang Diệu bảo vệ thành công luận án TS chuyên ngành giải tích phức tại Trường ĐH Toulouse 3 (Cộng hòa Pháp) vào tháng 6-2000. Tháng 8-2001, anh trở về Việt Nam và công tác tại khoa Toán-Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Từ tháng 3 đến tháng 9-2003, anh được mời làm thực tập sinh sau TS tại Trường ĐH Sundsvall, Thụy Điển. Cuối năm 2007, anh được bổ nhiệm làm PGS của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Từ tháng 9-2007 đến tháng 8-2009, anh được mời đi làm cộng tác viên khoa học tại Trường ĐH Quốc gia Seoul và ĐH Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc).

Anh là tác giả của 35 bài báo khoa học, trong số đó có bốn bài báo đăng ở các tạp chí quốc gia và 30 bài đăng ở các tạp chí quốc tế nằm trong danh mục SCI và SCIE.

______________________________________________

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công nhận 34 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 374 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh PGS. Trong đó, GS trẻ nhất là Nguyễn Quang Diệu (37 tuổi) và PGS trẻ nhất, cũng là PGS trẻ nhất Việt Nam hiện nay là Phạm Hoàng Hiệp (29 tuổi), đều thuộc chuyên ngành toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

HỒ VIẾT THỊNH thực hiện

Theo: phapluattp.vn

12-11-2011