Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Mỗi ngày một chân dung Nhà giáo tiêu biểu: NHỚ MÃI GIÁO SƯ BÙI VĂN NGUYÊN


13-07-2011
Trong nhiều năm làm việc với Giáo sư Bùi Văn Nguyên, tôi thấy ở giáo sư có hai phẩm chất nổi bật mà tôi rất quý trọng.Trước hết, đó là niềm say mê nghiên cứu khoa học... Thứ hai, giáo sư rất tôn trọng những suy nghĩ của các cán bộ trẻ....

GS. BÙI VĂN NGUYÊN

 

Tôi được gặp giáo sư Bùi Văn Nguyên vào một ngày giữa học kì một năm học 1963 – 1964, khi tôi đang học năm thứ nhất khoa Văn Đại học sư phạm Hà Nội. Hồi ấy, sau phong trào gọi là Chống Nhân Văn – Giai Phẩm, ở khoa Văn không có ai danh hiệu giáo sư, phó giáo sư, mà được gọi bằng một cái tên chung là cán bộ giảng dạy (CBGD).

            Năm học 1963 – 1964, giáo sư Bùi Văn Nguyên không lên lớp mà tự nghiên cứu, làm công việc của tổ trưởng bộ môn và hướng dẫn một số sinh viên là đề tài khoa học phần văn học dân gian và văn học viết thời phong kiến (hồi ấy chưa gọi là văn học trung đại).
            Hôm ấy, tôi được giáo sư gọi ra nhà để trình bày đề cương về đề tài Sự xung đột giữa Thiện và Ác trong truyện cổ tích Việt Nam do giáo sư giao. Tôi rủ một anh bạn học cùng lớp đi cho vui. Chúng tôi phải leo qua hơn bốn chục bậc cầu thang gỗ rất dốc ở số nhà 31 phố Hàng Ngang mới tới phòng ở của giáo sư.
            Nói là trình bày đề cương chứ thực ra tôi không phải trình bày gì. Giáo sư đọc qua, góp một vài ý rồi say sưa kể chuyện về việc nghiên cứu tìm ra tên thật của Bà Huyện Thanh Quan là Nguyễn Thị Hinh. Vì bài đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học nên giáo sư chỉ nói về quá trình nghiên cứu. Giáo sư nói: Từ thời còn là học sinh trung học, tôi đã rất thích thơ bà Huyện Thanh Quan. Bà chỉ để lại có 4, 5 bài thơ thôi mà xứng đáng được coi là nhà thơ lớn, có vị trí cao trong lịch sử văn học. Nhưng tôi băn khoăn không hiểu tên thật của bà là gì? Bước vào nghề dạy học, tôi đã để công đi sưu tầm tư liệu. Tuy nhiên, phải mất gần 30 năm tìm tòi, suy ngẫm, đối chiếu các tài liệu tôi mới tim ra được tên thật của bà. Sau khi mới chúng tôi uống nước, giáo sư nói: Làm khoa học gian nan lắm. Có khi phải trăn trở đến cả nửa đời người về một đề tài mà không phải bao giờ cũng đi tới đích. Đối với sinh viên, gọi là nghiên cứu khoa học, chủ yếu là cho gọn thôi, chứ để thực sự làm nghiên cứu được thì còn phải học nhiều thứ lắm. Nhưng những bước tập dượt như thế này (giáo sư chỉ vào bản đề cương của tôi) là rất cần thiết.
            Thế rồi, không bao lâu sau, miền Bắc bước vào cuộc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Các trường Đại học phải sơ tán ra khỏi Hà Nội. Khoa Văn sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Từ đó, tôi rất ít có dịp được gặp giáo sư.
            Vào một buổi chiều, chúng tôi đi học về, đang chuẩn bị ăn cơm thì giáo sư Bùi Văn Nguyên và một thầy nữa ở trong khoa Văn đến thăm lớp. Bữa cơm chiều hôm ấy chỉ có cơm, không có thức ăn, thậm chí không có cả muối ăn (Kỷ luật nhà trường đề ra là tuyệt đối không được vay mượn, xin xỏ dân bất cứ thứ gì) nên chúng tôi không dám mời các thầy cùng ăn cơm. Một sinh viên hỏi giáo sư Bùi Văn Nguyên: Đi sơ tán, thầy có sợ gầy không? Giáo sư trả lời: Các thầy khác thì sợ, chứ tôi có sơ tán bao nhiêu năm cũng không sợ, vì gầy đến như thế tôi là hết mức rồi, không thể gầy thêm được nữa!
            Tôi thực sự được gần gũi giáo sư Bùi Văn Nguyên từ năm 1967 khi tôi học xong năm thứ tư và được giữ lại tổ Văn học Việt Nam I do giáo sư là tổ trưởng. Giáo sư được bố trí ở trong một gian buồng nhỏ, lợp rạ của một gia đình nông dân thôn Quần Ngọc, xã Cộng Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (từ năm 1966 khoa Văn chuyển địa điểm sơ tán từ Thái Nguyên về Hưng Yên). Sau khi làm thủ tục nhập khoa, tôi được giáo sư gọi đến để giao công việc. Giáo sư cho tôi biết: Để chuẩn bị cán bộ cho ngày thống nhất đất nước, số lượng sinh viên được tuyển tăng lên nhiều mà cán bộ giảng dạy lại rất thiếu. Vì vậy, tôi chỉ được tập trung nghiên cứu một năm, sau đó phải lên lớp 2 chương. Thư viện khoa Văn (được chia ra từ thư viện của trường) có rất ít tư liệu về phần văn học viết thời phong kiến nên tôi cần phải sắp xếp thời gian để về Hà Nội đọc sách. Giáo sư nói: Khó khăn nhiều đấy, nhưng phải vượt lên thôi, biết làm thế nào được, chiến tranh mà! Anh cứ đọc, có vấn đề gì cần hỏi thì tôi biết đến đâu sẽ trả lời anh đến đấy. Nhưng như anh đã biết, tôi cũng chỉ là xê-bê-dê-giê (cán bộ giảng dạy) thôi, không thể hương dẫn gì cho anh được. Anh phải tự bơi là chính.
            Trong nhiều năm làm việc với giáo sư Bùi Văn Nguyên, tôi thấy ở giáo sư có hai phẩm chất nổi bật mà tôi rất quý trọng.
            Trước hết, đó là niềm say mê nghiên cứu khoa học. Dường như không có khó khăn nào trong khoa học mà giáo sư không tìm cách vượt qua. Công trình Thơ ca Việt Nam – hình thức và thể loại (viết chung với Hà Minh Đức) nghiên cứu công phu với nhiều thao tác tỉ mỉ được giáo sư hoàn thành trong thời kỳ sơ tán với đủ mọi thiếu thốn, khó khăn. Phẩm chất này của giáo sư thì tất cả cán bộ giảng dạy và sinh viên ở khoa Văn cũng như giới nghiên cứu trong cả nước đều đã biết, nếu không phải là qua tiếp xúc trực tiếp thì cũng là qua số lượng công trình khá lớn của giáo sư đã được xuất bản.
            Thứ hai, giáo sư rất tôn trọng những suy nghĩ của các cán bộ trẻ. Về điều này, tôi xin kể hai kỉ niệm, trong mối quan hệ của tôi với giáo sư.
            Vào năm 1971, nhà xuất bản văn học chủ trương tái bản quyển Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập II có sửa chữa và bổ sung. Giáo sư thông báo cho tôi biết điều này và hỏi: Anh thấy có vấn đề gì cần góp ý để sửa không, chủ yếu là ở phần do tôi dịch thuật và biên soạn? Tôi trả lời: Em không tham gia được gì nhiều. Em chỉ muốn thầy sửa lại từ cam trong cụm từ ta cũng cam lòng ở bài Hịch tướng sĩ. Trong nguyên văn là diệc nguyện vi chi có bản dịch là ta cũng nguyện vọng xin làm thì sát nguyên văn nhưng thật quá, không hay. Còn dịch là cam lòng thì vừa không sát nguyên văn, vừa là yếu Trần Quốc Tuấn đi. Giáo sư hỏi: Thế theo anh, nên thay bằng từ hoặc cụm từ gì? Tôi trả lời: Em nghĩ là nên lấy lại chữ của Ngô Tất Tố là từ vui, ta cũng vui lòng thể hiện được tinh thần tích cực, chủ động, sẵn sàng xả thân vì nước của Trần Quốc Tuấn được chứa đựng trong cụm từ diệc nguyện vi chi.
            Đến năm 1976, quyển sách được tái bản. Đọc bản dịch bài Hịch tướng sĩ tôi thấy từ cam đã được thay bằng từ vui.
            Một lần khác, vào năm 1975, khi tôi đang ở trong quân đội, đến gặp giáo sư để tham khảo ý kiến của giáo sư cho bài báo mà tôi dự định viết về 4 bài Phú núi Chí Linh của Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn và Trình Thuấn Du. Giáo sư cho tôi biết là Viện văn học sẽ tổ chức biên soạn một quyển sách về văn học viết thời phong kiến và khuyên tôi tham gia, nhưng không nên chỉ hạn chế vào mấy bài Phú núi Chí Linh mà mở rộng ra cả thời Lê. Thấy tôi có vẻ băn khoăn vì vấn đề lớn quá, giáo sư nói: Tôi cho anh mượn quyển Quần hiền phú tập. Anh cứ đọc đi rồi khắc tìm ra cách viết. Viết xong, tôi mang bài đến nhờ giáo sư đọc và góp ý. Nhưng giáo sư chỉ đọc lướt nhanh rồi nói : Anh cứ trực tiếp mang đến Viện văn học. Tôi tin bài này dùng được.
                                                                        *
            Trong dịp kỉ niệm 55 năm ngày thành lập khoa Ngữ văn này mà giáo sư Bùi Văn Nguyên vẫn có mặt để chứng kiến biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành trên mọi lĩnh vực thì vui biết mấy! Giáo sư không còn nữa, nhưng những công trình mà giáo sư để lại đang giúp ích rất nhiều cho những lớp người sau trên con đường khoa học và sự nghiệp trồng người.   
Hoàng Ngọc Trì

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Quê quán: Xã Nghi Hưng, Huyện Nghi Lộc , Tỉnh Nghệ An.

Sinh nhật 13/4/1923
Dân tộc Kinh
Văn bằng

Được công nhận chức danh Phó Giáo sưnăm 1980 .

Được công nhận chức danh Giáo sư Văn học năm 1984.

Địa chỉ Số 31, Hàng Ngang, Quận Hòan Kiếm, thành phố hà Nội

Quá trình công tác

1945 - 1955: Giáo viên Trường cấp II Nghi Lộc, Nghệ An và Trường Cấp III Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh.

1956 - 1990: Cá n bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đảm nhiệm chức vụ: Chủ nhiệm bộ môn (nhiều năm). Tổng thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Nghỉ hưu năm 1990.

Mất năm 2003.

Hướng nghiên cứu khoa học chủ yếu

Văn học dân gian (truyền miệng) và văn học viết - trung đại Việt Nam. Nghiên cứu sâu về các danh nhân như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du,...

Một số kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học

Giảng dạy nhiều lớp, nhiều khóa học sinh, sinh viên việt Nam. Công bố hàng trăn bài báo khoa học trên các tạp chí. Các bút danh đã dùng khi viết báo và sách: Phi Hoa Nữ Tử; Hùng Nam yến; Vân Trình v.v.

Chủ biên, tác giả, đồng tác giả 24 đầu sáchđã xuất bản, 17 quyển được viết và in ấn sau khi nghỉ hưu trong đó có: Văn chương Nguyễn Bỉnh Khiêm,NXB Hải Phòng, 1986. Bạch Vân Quốc ngữ thi tập,NXB Giáo dục,1989. Việt Nam thần thọai và truyền thuyết,NXB KHXH, 1993. Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể lọai (sọan chung),...

Theo: nhantai.thv.vn

NHỚ MÃI GIÁO SƯ BÙI VĂN NGUYÊN

13-07-2011