Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Chân dung Nhà giáo tiêu biểu: GS.TSKH.NGND PHAN NGUYÊN HỒNG: NGƯỜI TIÊN PHONG VÀ HẾT MÌNH VỚI HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN


19-08-2011
GS-TSKH-NGND Phan Nguyên Hồng là chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn (HST RNM). Ông là một trong những người sáng lập ra bộ môn nghiên cứu này ở Việt Nam và đã có những đóng góp to lớn trong việc khôi phục, bảo vệ và phát triển RNM.

 

GS-TSKH-NGND PHAN NGUYÊN HỒNG: NGƯỜI TIÊN PHONG
 VÀ HẾT MÌNH VỚI HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN

GS-TSKH-NGND Phan Nguyên Hồng là chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn (HST RNM). Ông là một trong những người sáng lập ra bộ môn nghiên cứu này ở Việt Nam và đã có những đóng góp to lớn trong việc khôi phục, bảo vệ và phát triển RNM.
Với những đóng góp của mình, ông đã vượt qua 131 ứng viên đến từ 25 nước trên thế giới, được Uỷ ban Giải thưởng Cosmos quốc tế (International Cosmos Prize) chọn trao giải thưởng năm 2008. Đây là giải thưởng lần thứ 16, được trao bởi Quỹ Expo 90 (Expo 90 Foundation) và ông là người Việt Nam đầu tiên được tặng Giải thưởng này. Dự kiến Lễ trao giải sẽ diễn ra tại thành phố Osaka (Nhật Bản) vào đầu tháng 11 tới. Ngoài Bằng khen và Huy chương, GS Phan Nguyên Hồng sẽ được nhận khoản tiền thưởng trị giá 40 triệu yên, tương đương khoảng 380.000 USD.
 
Lặng lẽ, đam mê nghiên cứu, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để tìm kiếm chân lý, bảo vệ quan điểm khoa học đến cùng trước những khó khăn, thách thức; khi thành công, không phô trương, không náo nhiệt... đó là vài nét phác thảo về chân dung GS-TSKH-NGND Phan Nguyên Hồng. ở tuổi 73, với thân hình nhỏ bé, có một chút khắc khổ nhưng ai đó có dịp tiếp xúc với ông sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước phong thái giản dị, sự miệt mài, đam mê và kiến thức uyên thâm của ông về các HST nói chung và HST RNM nói riêng. Đó cũng là những gì ông đã và đang cống hiến, giúp khôi phục nhiều vùng RNM đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, bảo tồn và phát triển HST rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Từ sự tình cờ đến niềm đam mê nghiên cứu HST RNM
Năm 1954, khi cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta vừa giành thắng lợi, Phan Nguyên Hồng đã rời quê hương (xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) tham gia đội thanh niên xung phong đi khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn; sau đó thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (khoá 1). Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công làm giáo viên Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương (1956-1958) và từ tháng 8.1958, ông giảng dạy tại Bộ môn Thực vật học (tiền thân của Bộ môn Sinh thái học) thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Vài nét về GS-TSKH-NGND Phan Nguyên Hồng:

 
Sinh ngày: 19.7.1935.
Quê quán: Xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Một số vị trí công tác: Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu HST RNM (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) - phụ trách Ban Nghiên cứu HST RNM (MERD); Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam; Uỷ viên BCH Hội Sinh học Việt Nam; Uỷ viên BCH Hiệp hội HST RNM quốc tế; Uỷ viên Hội đồng Tư vấn khoa học và công nghệ thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 33).
Hoạt động nghiên cứu khoa học: 1970: Bảo vệ luận án Phó tiến sỹ (nay là Tiến sỹ); 1991: Bảo vệ luận án TSKH, được Nhà nước phong học hàm GS; từ 1980 đến nay: Chủ nhiệm 7 đề tài cấp nhà nước và 2 đề tài cấp bộ; tổ chức nhiều đợt truyền thông và tập huấn về bảo vệ RNM và HST đất ngập nước vùng ven biển; biên soạn 8 cuốn sách chuyên khảo liên quan đến tài nguyên, môi trường ven biển; chủ trì 8 hội thảo quốc gia về quản lý đất ngập nước ven biển và RNM; đăng tải hàng trăm công trình trên các tạp chí trong và ngoài nước
Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huân chương Lao động (hạng Nhất và hạng Nhì); Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, “Vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, “Vì sự nghiệp phát triển nghề cá; Chiến sỹ thi đua toàn quốc (từ năm 1991 đến 1999); Giải thưởng xuất sắc về Bảo vệ môi trường năm 2005; Giải thưởng Cosmos quốc tế năm 2008.

 

Năm 1964, khi tỉnh Quảng Ninh có chủ trương xây dựng quy hoạch về tự nhiên, kinh tế - xã hội, nhận lời mời của Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Bá Trân lúc bấy giờ; GS Lê Bá Thảo (giảng viên đầu tiên của Bộ môn Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã dẫn một đoàn cán bộ (trong đó có Phan Nguyên Hồng) đi làm việc và nghiên cứu tại Quảng Ninh với thời gian gần 1 năm. Trong quá trình nghiên cứu thực tế, ông đã phát hiện được nhiều điều thú vị về RNM, từ đó ông say mê đi theo hướng nghiên cứu HST RNM. Thời gian này, Đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá ra miền Bắc, tất cả các trường đại học phải sơ tán khỏi Hà Nội, trong đó Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên. Nghịch lý cho niềm đam mê của ông lúc này là nghiên cứu về vùng biển mà lại phải làm việc tại miền núi. Không vì thế mà từ bỏ niềm đam mê, ông đã đề nghị với Ban Chủ nhiệm Khoa cho mình được tiếp tục nghiên cứu RNM tại các vùng ven biển miền Bắc. Ông đã đề nghị được dạy bù để có một số ngày trong tuần đến vùng ven biển nghiên cứu về RNM. Kể lại những kỷ niệm về thời gian vừa giảng dạy tại Thái Nguyên, vừa nghiên cứu RNM, mắt ông ánh niềm xúc động và say mê trong quá khứ gian khổ nhưng thú vị. Một lần, vào năm 1966, ông cùng một đồng nghiệp đạp xe từ Thái Nguyên về Tiên Yên và Đầm Hà (Quảng Ninh), đêm đi, ngày trú tạm ở hang đá, phải mất 4 ngày đêm mới tới được điểm nghiên cứu. Đến nơi, ông cùng đồng nghiệp lại bị bà con Hoa kiều bắt giam 2 ngày do nghi ngờ là biệt kích của Tưởng Giới Thạch. Sau khi được minh oan và được thả thì nước triều đã lên, không thể nghiên cứu được nữa. Vậy là chuyến đi 10 ngày (cả đi và về) vượt rừng, lội suối, chịu đói, chịu khát mà không thu được kết quả nào. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng nhiệt huyết của ông với RNM không hề suy giảm mà ngược lại, nó càng thôi thúc ông tự tìm tòi, nghiên cứu, tích luỹ tri thức.
Vào những năm 70, thật khó để có thể hoàn thành một luận án phó tiến sỹ (nay là tiến sỹ) ở trong nước. Tuy nhiên, được sự khuyến khích của GS Nguyễn Cảnh Toàn (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lúc đó), ông đã tự viết luận án, Trường đã gửi bản tóm tắt luận án sang Liên Xô và được các đồng nghiệp của nước bạn đánh giá cao. Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức bảo vệ luận án cấp 2 cho 3 cán bộ của Trường vào năm 1970 (trong đó có ông). Sau đó, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) làm lễ công nhận là những Phó tiến sỹ đầu tiên trong nước Từ thành công này, ông đã được Nhà nước giao làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước về HST RNM, về hậu quả của chiến tranh hoá học của vùng RNM, sử dụng một phần RNM vào nuôi tôm có hiệu quả... và đã hoàn thành xuất sắc các đề tài trên. Chính nền tảng kiến thức tích luỹ được cùng niềm đam mê và những trải nghiệm qua các đề tài cấp nhà nước là cơ sở để ông hoàn thiện và bảo vệ thành công luận án TSKH vào năm 1991. Có thể nói, cả hai luận án của ông đều là quá trình tự tìm tòi, nghiên cứu, bởi lẽ ở Việt Nam lúc này hầu như chưa có chuyên gia về HST RNM, còn quan hệ quốc tế trong khoa học lúc bấy giờ chủ yếu là với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, mà họ thì không có nhiều kinh nghiệm về HST nhiệt đới. Cũng trong năm 1991, ông đã được Nhà nước phong học hàm GS.
Tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia khôi phục, bảo vệ, phát triển RNM và đào tạo đội ngũ kế cận
Vùng ven biển có 3 HST: HST gần bờ (rừng ngập mặn nằm ở cửa sông, ven biển, bị ngập nước mặn định kỳ theo thuỷ triều); HST có biển (nằm ở trong nước biển); HST sản xuất khô. Đây là 3 HST rất quan trọng, nếu mất sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế, môi trường đối với vùng ven biển. Từ năm 1970, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, RNM có vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của nhiều loài hải sản (là nơi sinh sản, lá của cây rừng rụng xuống sẽ được vi sinh vật phân huỷ tạo ra nguồn thức ăn cho hải sản). ở đâu có RNM thì ở đó có nhiều hải sản và ngược lại. Thực tiễn ở vùng RNM Cần Giờ đã chứng minh điều này (khi chiến tranh, chất độc màu da cam đã làm rụng hết lá cây rừng, số lượng hải sản giảm đi; sau này, khi phục hồi lại rừng, các loài hải sản đã phát triển nhanh chóng). Không những tạo nên nguồn thức ăn cho hải sản, RNM còn có vai trò bảo vệ vùng ven biển. Qua trận động đất và sóng thần ngày 26.4.2004 ở ấn Độ Dương, các nhà khoa học đã nghiên cứu và khẳng định vai trò to lớn của RNM trong vấn đề giảm thiểu tác hại của sóng thần. ở Việt Nam, các cơn bão số 2, 6, 7 năm 2005 đã làm cho nhiều địa phương ven biển do không có RNM hay có RNM nhưng đã bị phá đi đều bị thiệt hại rất nặng nề (cho dù nhiều nơi đã có đê quai bê tông bảo vệ), trong khi những nơi khác có RNM thì thiệt hại không đáng kể.
Để khôi phục, bảo tồn và phát triển các HST nói chung và HST RNM nói riêng, nhận thức, thái độ và hành vi của người dân có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng. Nhà khoa học cho dù có tâm huyết và tài ba đến đâu cũng sẽ không thành công trong việc bảo vệ và phát triển RNM nếu như không biết cách thu hút, thuyết phục người dân cùng làm theo. Theo GS Phan Nguyên Hồng thì vai trò của các HST nói chung và HST RNM nói riêng không phải lúc nào và ai cũng nhận thức được đầy đủ. Được sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế khác, Trung tâm Nghiên cứu HST RNM (do ông làm Giám đốc) và MERD đã triển khai nhiều chương trình truyền thông, lớp tập huấn về vấn đề này. Nếu đi dọc vùng ven biển có RNM từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, đặc biệt là Nam Định và Thái Bình hỏi người dân những nơi này về ý nghĩa của RNM, họ sẽ nói rất rõ về nó; hơn thế nữa, họ còn thay đổi hành vi ứng xử với RNM (không phá RNM, cùng nhau bảo vệ, tích cực trồng RNM). Đó là kết quả của việc tuyên truyền, giáo dục, vận động mà trong đó không thể không nhắc tới sự đóng góp quan trọng của ông và các cộng sự. Ông cùng các cán bộ của Trung tâm đã giúp đỡ kỹ thuật cho các địa phương ở 8 tỉnh phía Bắc trồng và phục hồi nhiều diện tích RNM phòng hộ với sự tài trợ kinh phí của các tổ chức phi chính phủ như: Quỹ cứu trợ Nhi đồng Anh (SCF-UK), OXFAM UK-I, Tổ chức Hành động phục hồi RNM Nhật Bản (ACTMANG), Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản... Ngoài ra, ông cũng đã chủ trì nhiều hội thảo quốc gia về HST RNM; phối hợp với Uỷ ban Con người và Sinh quyển (MAB) khu vực châu á - Thái Bình Dương tổ chức 2 hội thảo quốc tế và khu vực về các vùng chuyển tiếp (ECOTONE V&X), Hội thảo quốc tế Xây dựng dự án Khu sinh quyển Cần Giờ; phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật và tuyên truyền về lợi ích của RNM trong phòng chống thiên tai, tăng nguồn lợi hải sản; chỉ đạo xây dựng Trạm Nghiên cứu HST RNM tại xã Giao Lạc, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định để làm địa điểm tập huấn cho cộng đồng địa phương ven biển, làm nơi nghiên cứu cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh; phối hợp với các hội chữ thập đỏ một số tỉnh ven biển để tổ chức nhiều đợt tuyên truyền giáo dục và triển lãm di động Vì màu xanh RNM”, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ môi trường ven biển... Với những hoạt động trên, hiện nay ở nhiều xã ven biển không còn tình trạng phá RNM để lấy củi hoặc nuôi tôm tự phát...
Để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp nghiên cứu, bảo vệ và phát triển RNM, GS Phan Nguyên Hồng luôn chú trọng nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ. Từ khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu HST RNM đến nay, ông đã tạo điều kiện cho 12 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, hơn 20 cán bộ bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ ở trong nước. Ông cũng đã tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế để gửi đi đào tạo 10 tiến sỹ ở Nhật Bản (hiện 8 đã bảo vệ thành công luận án).
Những công việc mà GS Phan Nguyên Hồng đã và đang làm đã được Uỷ ban Giải thưởng Cosmos quốc tế nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan. Ông đã qua 4 lần tuyển chọn, vượt qua 131 ứng viên đến từ 25 nước và trở thành người đoạt Giải thưởng này năm 2008. Đây là vinh dự lớn đối với ông, nhà khoa học đã cống hiến hơn 40 năm cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển RNM.
Vũ Hưng
 
MÀU XANH RỪNG MẶN
Chàng trai xã Đức Vĩnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) Phan Nguyên Hồng rời quê nhà - hòn đảo nổi giữa sóng nước của hai dòng sông Lam sông La – vào một ngày tháng mười, khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Anh tham gia TNXP đi khôi phục đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan rồi nhờ có trình độ trung học, anh được về học đại học ở Thủ đô.
Anh thi vào trường dược, nhưng trường này không có học bổng khuyến khích, mà gia đình ở mảnh đất nghèo khó, dù mừng lắm, muốn lắm cũng chẳng có gì gửi thêm cho con. Anh xin chuyển sang Đại học Sư phạm khoa Hóa – Sinh. Cứ như định mệnh đã an bài để đưa anh đến với màu xanh rừng mặn. Hơn hai năm dùi mài đèn sách, học cả hai mùa hè để sớm hết khóa, anh hoàn toàn sống nhờ suất học bổng ít ỏi Nhà nước cấp.
Ra trường, anh dạy hai năm ở trường Sư phạm Trung cấp Trung ương rồi về dạy ở khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 1958 cho đến nay. 40 năm trên bục giảng đường, tính sao hết số học sinh, sinh viên đã nghe anh giảng bài, được anh hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp bảo vệ thành công các luận án cao học, thạc sĩ, PTS…Anh còn tham gia đào tạo 4 khóa ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Việt Bắc, bồi dưỡng cho cán bộ tại Đại học Cần Thơ.
Danh hiệu cao quý mà Nhà nước ta tặng anh: Nhà giáo ưu tú (1990), Nhà giáo Nhân dân (1996) thật xứng đáng với người thầy mẫu mực được nhiều thế hệ học trò quý trọng.
Nhưng Phan Nguyên Hồng không chỉ dạy chữ, dạy người. Anh còn là một nhà khoa học giỏi, làm chủ tịch và tham gia hàng chục đề tài khoa học cấp Nhà nước; là tác giả và đồng tác giả hơn 120 báo cáo và bài báo bằng tiếng Việt, tiếng Anh của trên 20 giáo trình và sách giáo khoa về sinh học, thực vật học, chủ yếu đi sâu rừng ngập mặn Việt Nam.
Phan Nguyên Hồng không ngừng nâng cao và trau dồi thêm kiến thức từ sách báo nước ngoài, từ các cuộc hội thảo chuyên ngành và từ thực tiễn điền dã, nghiên cứu điều tra ở rừng ở biển. Học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp. Tình yêu thiên nhiên, vạn vật đến với anh ngày càng sâu nặng, đằm thắm. Anh gắn bó với cây rừng Việt Bắc từ những năm 60 rồi lặn lội trong rừng mặn ven biển Đông Bắc. Anh say mê các cây dâng, vẹt, sú, trang… vùng Quảng Ninh. Cái vốn phong phú ấy tạo điều kiện cho anh bảo vệ luận án phó tiến sĩ sinh học năm 1970. Miền Nam giải phóng, dù vừa qua một năm 6 lần vào viện, anh vẫn xin vào Nam Bộ làm thân với cây đước, cây dưng, cây bần, cây mắm. cây dừa nước… và bao sinh vật dưới bể, trên rừng của miền Minh Hải – Cà Mau – Bến Tre. Giúp các địa phương lập quy hoạch kinh tế rừng ngập mặn. Từ 1981 nhờ tham gia các đề tài thuộc chương trình Nhà nước về tài nguyên và môi trường, với trọng tâm nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn, hậu quả chiến tranh hóa học với rừng ngập mặn Minh Hải, sử dụng hợp lý hệ sinh thái rừng ngập mặn để nuôi tôm, chống phá rừng mặn bừa bãi. Anh đã trở thành nhà nghiên cứu đầu tiên có hệ thống rừng ngập mặn và là chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực này của nước ta. Năm 1991, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ đầu tiên của ngành sinh học Việt Nam ở trong nước với đề tài “sinh thái thảm thực vật rừng ngập mặn Việt Nam”. Đây là luận án tiến sĩ thứ 10 được thực hiện ở trong nước. Nhà nước ta phong tiếp học hàm giáo sư cho anh.
Tiếp xúc với nhà trí thức dáng người nhỏ bé, gầy yếu này, tôi không ngờ anh đã làm nổi nhiều việc đến thế. Mới xem qua “danh mục các công trình khoa học khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp” (1986 - 1996) của trường Đại học Sư phạm, đã thấy có 49 mục mang tên anh. Một chồng cao các báo cáo khoa học mà anh đã trình bày ở hơn 40 hội thảo quốc gia, quốc tế; kỷ niệm về 4 hội thảo quốc gia và quốc tế khác do anh chủ trì bằng tiếng Việt, tiếng Anh, bản in trong nước, bản in ở Nhật, ở Thái Lan… mới thấy được sức làm việc ghê gớm của anh. Tôi rất mê tập tranh mang tính giáo cụ trực quan, sách giáo khoa cho các trường PTCS vùng ven biển, bộ phim đèn chiếu và tập sách truyền bá phổ cập về “Rừng ngập mặn”, sinh động, hấp dẫn. Làm được việc này, anh đã tranh thủ được sự tín nhiệm để các tổ chức phi chính phủ của nhiều nước tài trợ.
Nếu không được Ban giám hiệu Trường Đại học Sư phạm cho biết, tôi đâu hay ở số 91 Nguyễn Khuyến này lại có một “Trung tâm nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn” trực thuộc trường, do anh làm giám đốc. Anh cho biết cơ sở mới sáp nhập vào Trung tâm tài nguyên và môi trường, trước đây giáo sư Võ Quý làm giám đốc. Phan Nguyên Hồng được cử làm Phó giám đốc, phụ trách nhánh rừng ngập mặn. Anh còn là thành viên của nhiều tổ chức khoa học; phó chủ tịch hội sinh thái học Việt Nam, ủy viên BCH Tổng hội sinh học, ủy viên HĐKH Bộ giáo dục và đào tạo, trường ĐHSP, ĐHQG Hà Nội, Ủy ban quốc gia về chiến tranh hóa học ở Việt Nam, Hội sinh thái rừng ngập mặn quốc tế… Thấy tôi ngắm căn phòng nhỏ bé ấm cúng, sách quý hơn đồ dùng, anh cười, ngoài băm lăm tôi mới lập gia đình. Nhà tôi là Ngô Kim Thu dạy ở PTCS Tô Vĩnh Diện. Chúng tôi quen nhau ở lớp đại học hàm thụ. Cô ấy học, tôi giảng, rồi nên vợ chồng. Cháu gái đầu lòng đẻ ở nhà hộ sinh Thổ Quan cái đêm bom B52 rải thảm phố Khâm Thiên, nay cháu dạy tiếng Anh ở trường Amxtecdam. Về nhà, cháu còn giúp bố sửa lại các bản dịch tiếng Anh. Cháu trai sinh sáu năm sau vừa vào đại học Ngoại  thương.
Đã lục tuần nhưng nhà giáo, người Đảng viên Phan Nguyên Hồng vẫn sôi nổi, hào hứng, đã bập vào chuyện rừng ngập mặn là dứt không ra. Tôi bỗng thấy phía sau anh, một tấm thảm xanh mơ ước bao dọc vùng biển lượn cong hình chữ S trên bản đồ Tổ quốc.

GIANG QUÂN

 

GS-TSKH-NGND Phan Nguyên Hồng, quê xã Đức Vĩnh là học sinh Liên Việt khoá I . Hiện ông là Phó giám đốc trung tâm Tài nguyên môi trường, phó chủ tịch Hội đồng chức danh quốc gia. GS vừa tặng UBND xã Đức Vĩnh 100 triệu đồng trích từ giải thưởng COSMOS. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
 
"Tôi trưởng thành từ nhân dân"
Lao Động Cuối tuần số 02 Ngày 11/01/2009 
Cập nhật: 7:32 AM, 11/01/2009
 
Giáo sư Phan Nguyên Hồng.
(LĐCT) - Sau 15 năm ra đời và phát triển của giải thưởng quốc tế Cosmos  do Quỹ Expo'90 của Nhật Bản trao tặng đã có nhà khoa học Việt Nam đầu tiên vinh dự được nhận giải thưởng quý, trị giá gần 400 nghìn USD.
Đó là GS.TSKH-NGND Phan Nguyên Hồng (75 tuổi) hiện đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn (RNM) trường Đại học Sư phạm Hà Nội. GS Phan Nguyên Hồng gần như đã dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu về hệ sinh thái RNM. Ông kịch liệt phản đối việc tàn phá RNM để nuôi tôm làm cho môi trường ven biển bị suy thoái trầm trọng.
Tôi ghé thăm GS Phan Nguyên Hồng trong một ngày áp Tết Kỷ Sửu mưa lạnh. Vị giáo sư khả kính vừa mở cổng đón khách vừa nói: "Thực sự, nếu một mình tôi sẽ không bao giờ làm được những công trình khoa học quan trọng như đã công bố. Tôi trưởng thành là nhờ sự giúp đỡ của tập thể, cộng đồng và nhân dân ven biển. Không có dân không thể nào có được những kiến thức thực tế.

Có lần 9 người trong đoàn cả nam nữ ở nhờ trong căn hộ vẻn vẹn 20m2 của gia đình anh Tám Sơn, tỉnh Minh Hải cũ, vợ chồng anh ấy nhiệt tình lắm, làm tôi nhớ mãi". Năm 1956, Phan Nguyên Hồng tốt nghiệp Trường ĐHSP HN. Năm 1958, ông về công tác tại bộ môn Thực vật học, khoa Sinh học của Trường ĐHSP HN cho đến ngày về hưu khi tròn 72 tuổi.
 
Giáo sư đã bị "sốc" khi phải chứng kiến cảnh người dân đốn chặt RNM một cách vô tội vạ vào những năm 60 thế kỷ trước ở Quảng Ninh?

- Năm 1964, ông Nguyễn Thọ Chân - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đề nghị Trường ĐHSP HN cử đoàn cán bộ khoa học xuống giúp tỉnh làm quy hoạch phân vùng kinh tế tự nhiên. Chúng tôi về nghiên cứu trong gần 1 năm và thấy ở đây có những loài cây sống ven biển rất đặc biệt mà người dân gọi là bãi sú, vẹt. Sự thích nghi của thực vật với môi trường nước lợ tạo điều kiện thuận lợi cho tôm, cua, cá, sò sinh sống và phát triển rất nhanh.

Thời gian đó Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, khoa Sinh phải sơ tán lên Thái Nguyên. Tuy nhiên tôi vẫn quyết tâm thực hiện ý định của mình nhưng vất vả lắm. Tôi nghĩ bộ đội họ đánh nhau ngoài mặt trận được thì tại sao mình không cố gắng! Khi ra đảo Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), tôi thấy bà con thu hoạch được rất nhiều tôm cá, cua... từ khu vực RNM. Nhưng bên cạnh đó người dân lại chặt cây sú, vẹt mang về làm củi xếp đầy cả gian nhà không chỉ để đun mà còn để sưởi ấm mùa rét, tôi rất tiếc.

Tôi nhận định, RNM và hải sản có một mối liên quan rất chặt chẽ. Các cây sống ở đây đặc biệt thích nghi với điều kiện môi trường lầy mặn, ngập nước triều định kỳ, có cây cao đến 10-15m, đó là điều làm tôi ngạc nhiên, cần phải nghiên cứu.

Giáo sư Phan Nguyên Hồng cùng gia đình

tại lễ trao giải thưởng Cosmos 2008 tổ chức tại Nhật Bản. Ảnh: Anh Tuấn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công trình nghiên cứu đầu tay mang lại cho giáo sư điều gì và có giúp ích người dân ý thức được việc phải bảo vệ RNM không?

- Tôi được nhà trường giao dạy môn Sinh thái học, một môn mà tôi không được học chữ nào. Tài liệu ở nước ngoài ngày đó, nhất là tài liệu về rừng nhiệt đới hiếm nên mình phải tự mày mò. Sau này tôi mới biết, trước những năm 1970, trên thế giới cũng còn rất ít tài liệu viết về giá trị của RNM đối với hải sản. Qua đó tôi thấy thích và quyết tâm nghiên cứu sâu để đưa vào giáo trình.

Nhưng tôi là người may mắn. Khi viết xong kết quả nghiên cứu RNM ở Quảng Ninh nộp lên Phòng khoa học, đúng dịp này có ông Bộ trưởng Bộ giáo dục Liên Xô cũ sang thăm. GS Nguyễn Cảnh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐHSP giới thiệu công trình của tôi với ngài bộ trưởng. Ông ấy nói: "Nếu thế này ở Liên Xô là đủ để bảo vê luận án phó tiến sĩ rồi".

Từ ý kiến đó và được nhà trường tạo điều kiện, tôi cùng với thầy Lê Quang Long và thầy Phan Cự Nhân tiếp tục viết tóm tắt luận án bằng tiếng Nga. Sau khi viết xong gửi qua Liên Xô, họ nhận xét là tốt. Năm 1970, ba chúng tôi bảo vệ thành công luận án cấp 2 tương đương học vị tiến sĩ bây giờ. Năm 1975, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Nhà nước mới làm lễ công nhận 5 phó tiến sĩ đầu tiên trong nước, trong đó có tôi.  

Điều đáng buồn là thời đó nghiên cứu xong cũng chẳng giúp được nhiều để người dân bảo vệ RNM, khó lắm.

Thời điểm nào RNM bị huỷ hoại nhiều nhất và làm giáo sư cảm thấy đau lòng?

- Những năm 1970 và 1980, khi phong trào trồng cói, nuôi tôm xuất khẩu phát triển, người dân và chính quyền nhiều địa phương phá tanh bành RNM ở ven biển từ Bắc tới Nam. Chính điều này làm cho RNM nghèo đi nhanh chóng, có nơi rừng bị chặt phá trắng.

Chuyện đau lòng thế này, vì đồng lương thấp, đời sống khó khăn nên cán bộ và một số cơ quan nhà nước đổ ra nuôi tôm. Muốn mở rộng diện tích thì điều tất yếu là người ta phải phá rừng. Năm 1991, một cơ quan quản lý ở Năm Căn cho các gia đình chính sách sử dụng RNM diện tích 100ha ở phía bãi bồi Tây Nam mũi Cà Mau đắp đầm nuôi tôm thử nghiệm. Người ta lợi dụng khai thác rộng lên đến 4.500ha. Hậu quả là toàn bộ nguồn tôm giống tự nhiên bị mất.

Chuyện này được phản ánh lên Quốc hội khoá 6. Uỷ ban Khoa học nhà nước giao cho tôi và Giáo sư Lê Đức An phụ trách một đoàn cán bộ khoa học vào nghiên cứu tác động môi trường do phá rừng nuôi tôm ở khu vực bãi bồi đó. Nghiên cứu trong 3 tháng, chúng tôi hoàn thành báo cáo.

Khi đoàn cán bộ của GS Đặng Hữu - chủ nhiệm UB Khoa học Nhà nước vào kiểm tra, tôi đã chỉ cho họ thấy RNM bị tàn phá do nuôi tôm để lại nặng nề thế nào. Bên ngoài còn rừng, nước không có mùi gì nhưng trong bờ rừng bị phá, tảo, nấm phát triển làm nguồn nước thối kinh khủng. Thối thế này thì tôm cá sống sao được!

* GS Phan Nguyên Hồng là thành viên Hiệp hội Hệ sinh thái RNM quốc tế, Uỷ ban IUCN về Quản lý các hệ sinh thái, Uỷ ban toàn cầu về các khu bảo vệ... Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1997, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2000, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc trong thời kỳ đổi mới (1990-1999)...  GS Phan Nguyên Hồng đã đào tạo được nhiều PGS.TS hiện đang công tác trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái RNM. Ông đã xuất bản nhiều đầu sách cả bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài về lĩnh vực nghiên cứu của mình. 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ngoài bảo vệ môi trường, giáo sư có thể chứng minh được mối liên hệ hữu ích giữa RNM với việc phát triển kinh tế biển không?

- Lợi ích về kinh tế của RNM cực kỳ lớn. Loại rừng này được đánh giá là một trong các hệ sinh thái có năng suất sinh học cao nhất. Trong rừng ngập mặn lá cây, hoa, quả rụng xuống được vi sinh vật phân huỷ tạo môi trường mới với nguồn thức ăn phong phú cho tôm cá và nhiều hải sản quý sinh nở, phát triển. Các con vật sống trong vùng RNM ăn mùn bã. Con vật khác lại ăn con vật ăn mùn bã tạo thành chuỗi dinh dưỡng khép kín. Mất rừng ngập mặn là mất tất cả các chuỗi dinh dưỡng ấy.

Bây giờ ở một số nơi như 8 tỉnh phía Bắc: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá... tại sao nguồn sò huyết, sò lông, vạng lại phát triển rất mạnh? Nhiều người, nhiều làng thu về bạc tỉ mỗi năm, giàu lên nhanh chóng nhờ nuôi hải sản. Là bởi loài này sống trên cát ở phía ngoài RNM, khi nước triều xuống sẽ kéo theo mùn bã ra biển làm nguồn thức ăn cho chúng.

Đó là nhờ có những dự án trồng RNM của Hội chữ thập đỏ Đan Mạch, Nhật Bản, Tổ chức phục hồi RNM Nhật Bản. Diện tích RNM trồng được hiện đã lên đến hơn hai mươi hai ngàn hécta .

Phía trong RNM ở Thái Bình, Nam Định bà con nuôi cua xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao mà nguồn giống là cua con bắt trong RNM. Con tôm mẹ người ta đánh bắt ở ngoài biển nhưng hầu hết quãng đời của nó sống trong RNM, khi gần trưởng thành thì tôm ra biển cặp đôi sinh sản ở độ sâu 40-60m nước, sau đó trứng nổi dần lên được sóng đánh trôi vào rừng phát triển và quay lại vòng đời.

Con cua đào hang sống trong RNM, cặp đôi ở trong rừng, lúc sắp đẻ, cua cái mới bơi ra biển sinh nở, từ tháng 8 đến tháng 11 cua con vào rừng sống, đây là nguồn cua giống chính phục vụ các đầm nuôi.

Nhưng gần đây, ở một số tỉnh vẫn xảy ra hiện tượng phá RNM để nuôi tôm. Theo giáo sư, chúng ta cần làm gì để ngăn chặn được thực trạng này?

- Nếu chúng ta không làm tốt việc bảo vệ môi trường ven biển thì sau này con cháu sẽ phỉ báng ông cha. Tình hình chặt phá rừng vẫn còn nhưng lẻ tẻ vì qua một số cơn bão cán bộ địa phương thấy được tác hại khi không có rừng rồi. Nhưng theo tôi, để bảo vệ và mở rộng diện tích RNM điều cần nhất là phải nâng cao được nhận thức của nhân dân cũng như cán bộ địa phương.

Tôi từng nói với Ban chủ nhiệm Chương trình Biển rằng: 5 chương trình biển trong thời gian vừa qua với sự tham gia của nhiều nhà nhà khoa học lớn, nhưng thực tế còn hạn chế vì chưa làm mảng thứ 2, đó là đánh giá về hiệu quả đối với vấn đề kinh tế - xã hội. Khi người dân vùng biển còn đói nghèo thì họ phải đánh bắt hải sản  theo cách huỷ diệt, tàn phá môi trường để lo cuộc sống hàng ngày. Trong chương trình mới chúng ta cần quan tâm rất nhiều đến vấn đề cộng đồng, đời sống xã hội.

Hầu hết trong các hội thảo cũng như các buổi tập huấn chúng tôi muốn cán bộ lãnh đạo ngồi lại nghe để hiểu về giá trị to lớn và nhiều mặt của RNM. Song chẳng mấy vị quan chức trọng trách kiên nhẫn ngồi. Họ đến phát biểu dăm câu rồi về, có biết các nhà khoa học thảo luận gì đâu. Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng những gì mình làm đến kết quả thực tế còn là một khoảng cách.

Giáo sư vẫn còn nhớ cảm giác của mình khi được trao giải thưởng Cosmos?

- Đây là một giải thưởng quý giá. Tôi rất vui. Niềm vinh dự này không chỉ dành cho riêng tôi mà còn là niềm vui chung đối với giới nghiên cứu khoa học trong cả nước. Song cũng là trách nhiệm nặng nề nếu muốn phát huy giá trị của giải thưởng vì tuổi tôi đã cao.

Tôi dành một phần trong quỹ tiền thưởng hỗ trợ các đơn vị, địa phương đăng ký nghiên cứu và phục hồi RNM; Tham gia dự án nhỏ Sympa meals "Hỗ trợ mỗi ngày 100 suất ăn trưa cho người nghèo bị bệnh ung thư ở bệnh viện K" và sẽ mở rộng thêm; Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó trong nghiên cứu của khoa Sinh, Trường ĐHSP HN; Giúp đỡ Trung tâm Rừng ngập mặn hoạt động và giúp đỡ chút ít cho quê hương.
Vài nét về giải thưởng quốc tế Cosmos: Năm 2008, tổng cộng có 131 nhà khoa học của 25 nước được đề cử. GS Phan nguyên Hồng đã vượt qua 3 lần tuyển chọn và trở thành người duy nhất được đoạt giải thưởng quốc tế Cosmos 2008. UB Giải thưởng Quỹ Expo 90 tổ chức trao tặng giải long trọng này tại Nhật Bản hồi đầu tháng 11.2008. 
Anh Tuấn
19-08-2011