Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Chuyện đời thường của một "ẩn sĩ Đường" (về Giáo sư Bùi Văn Nguyên)


25-05-2013
LTS: Cố Giáo sư - Nhà giáo Ưu tú Bùi Văn Nguyên là một nhà nghiên cứu văn học dân gian có uy tín. Ông nguyên là Tổng thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Vừa qua, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất và 95 ngày sinh của Giáo sư Bùi Văn Nguyên, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã phối hợp với Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Giáo sư Bùi Văn Nguyên với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học”. Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư Hà Minh Đức - một trong những bài viết được trình bày tại hội thảo trên...

 

Giáo sư Bùi Văn Nguyên (1918-2003)

Ông về Hà Nội và nhập vào trường Sư phạm sau ngày hòa bình lập lại. Ông ở trong khu tập thể, sau một lần lên thăm tôi ở 31 Hàng Ngang. Ông thấy bên cạnh phòng ở của tôi vẫn còn một khoảng trống rộng có thể kê bàn, kê giường làm chỗ ở để tiện đi thư viện ở Hà Nội. Ông ngỏ ý và tôi đã đồng ý mời ông về tạm trú. Sau một thời gian, căn phòng ở nhà bên, chủ dọn đi nơi khác và ông chuyển về ở hẳn, chuẩn bị cho một cuộc sống lâu dài. Nhà 31 Hàng Ngang là nhà vắng chủ. Tôi thuê của Phòng Nhà cửa căn gác ba. Từ đường phố lên gác ba phải đi qua nhiều lối đi tối tăm. Một lần, các nhà văn Tất Thắng và Lê Sơn lên chơi có tặng tôi bốn câu thơ:

Vào sâu hun hút sâu hun hút
Lên cao, lên cao, lại rẽ ngang
Càng đi càng tối như hũ nút
Bỗng thấy nhà thầy sáng một gian

Giáo sư Bùi Văn Nguyên là người Hà Tĩnh. Ông người gầy, dong dỏng cao, già trước tuổi. Chừng ngoài 50 tuổi nhưng đã mang vẻ một “cụ giáo”. Ông nghiên cứu văn học cổ, có vốn chữ Hán khá sâu sắc và hàng ngày vẫn tiếp tục làm việc với vốn cổ của mình. Ông ở một mình, tự chăm lo chuyện ăn uống, sinh hoạt. Ông sống và làm việc khoa học, buổi sáng dậy từ 5h.  7h đã có thể bắt đầu vào công việc rồi cặm cụi suốt ngày. Buổi trưa tự nấu ăn, dành lại phần thức ăn và cơm để buổi chiều xào nấu và hâm nóng lại. Kế hoạch thường ngày đều thực hiện đúng đắn theo một lịch trình có sẵn. Có lần, chị Hoàng, con gái ông lên chơi vào buổi trưa, thấy ông vẫn làm việc, chị nói: “Ông nghỉ thôi, suốt sáng đến giờ làm việc cũng phải nghỉ ngơi”. Ông trả lời: “Ngồi cả buổi từ sáng đến giờ cũng chỉ mới tra được một, hai chữ”. Gặp một từ ngữ, một sự tích văn chương, ông tra các loại tự điển Từ Hải Từ Nguyên. Tra đuổi đến khi tìm ra chữ mới thôi.

Cứ thế, ngày ngày theo công việc. Ông thỉnh thoảng cũng có làm thơ, nhất là vào dịp cuối năm. Trong thời gian ở gần ông, tôi được ông đọc cho hai bài “Trên đà sáu mươi” và mười năm sau là “Trên đà bảy mươi”. Sau đó, ông còn viết tiếp “Trên đà tám mươi”. Ông mất năm 85 tuổi. Ông nói: “Trong họ nhà mình, ít người sống được sáu mươi tuổi. Mình như thế là thọ lắm rồi”.

Những năm đầu, bên cạnh việc nghiên cứu ông thường xuyên đi thực địa, tham dự các lễ hội, thăm chùa chiền. Khoảng cách vài chục cây số ông dùng xe đạp, có lần ngã xây xước cả chân tay. Ông mang theo một lọ dầu Phật Linh và bôi ngay tại chỗ, chỉ vài ngày sau chỗ xước đã khô cong. Ông nói: “Tạng của mình gầy guộc nên vi trùng cũng chẳng kiếm chác được gì”. Nhiều lúc bị cảm, ông chỉ ngậm ít muối với chanh và nằm nghỉ một hai ngày là khỏi. Ông nghiên cứu văn học cổ, tôi lại ở phần hiện đại. Ông thường chê văn học hiện đại thiếu hàm súc, thiếu “ý tại ngôn ngoại”. Ông bảo: “Một bài Tùng của Nguyễn Trãi tôi phải giảng ba tiếng vẫn chưa hết ý, còn những bài như Việt Bắc của Tố Hữu đọc đến đâu hiểu đến đấy”. Tôi không tranh luận lại vì ông cao tuổi và lại cũng khó thuyết phục ông. Với chất Nghệ Tĩnh đậm nét, ông bảo: “Chớ có cãi nhau, tranh luận với anh Nghệ An, Hà Tĩnh. Thấy hai anh Nghệ Tĩnh cãi nhau thì phải tránh xa”. Với cuộc sống khắc khổ, khép kín, ông ít bạn bè. Thỉnh thoảng có các ông Hoàng Ngọc Hiến, Đinh Gia Khánh đến chơi. Ông cũng tiếc thời gian và tập trung dành cho việc nghiên cứu. Buổi đầu ông thường viết cho các sách giáo khoa phổ thông phần trung đại. Ông là chuyên gia về Nguyễn Trãi, vừa nghiên cứu sâu về tư liệu sách vở, vừa về vùng quê hương của Nguyễn Trãi. Ông cũng chú ý đến văn chương thế kỷ 15 của Lê Thánh Tông và thi đàn của các nhà thơ đương thời. Có lần tôi nói với ông: “Sách giáo khoa là kiến thức chung, những tri thức đặc biệt anh phải dành cho những công trình của riêng mình”. Ông không chấp nhận ý kiến của tôi, nhưng một năm sau nhân một tác giả trong một cuốn sách giáo khoa khác cũng có những ý kiến tương tự như ông và không chú thích về xuất xứ. Ông bực bội nhưng cũng không làm gì được và từ đấy ông thấy ý của tôi là đúng. Ông tập trung viết được nhiều chuyên khảo về thời kỳ này, về Nguyễn Trãi, về văn thơ thế kỷ 15 với Tao Đàn nhị thập bát tú. Dần dà qua các công trình, ông trở thành chuyên gia về Nguyễn Trãi. Ông nghĩ đến đồ đệ, một hai cán bộ trẻ ở Trường Đại học Sư phạm. Các anh theo ông để dần trở thành đồ đệ của môn phái Nguyễn Trãi nhưng rồi nửa chừng họ bỏ sang Nga. Ông bực mình và cũng không biết trách ai. Trong một lần, ở một cuộc họp của Ủy ban khoa học xã hội, có đồng chí Đỗ Mười tham dự, tôi phát biểu: “Ngày nay trong giáo dục gần như không còn quan hệ về đồ đệ như các cụ  ngày xưa”. Giáo sư Bùi Văn Nguyên ở gần tôi cũng than vãn về tình trạng này: “Tôi cố gắng mãi mới nắm và giữ được chân Nguyễn Trãi, đến lượt tôi, tôi giơ chân ra, các thầy giáo trẻ chỉ nắm một lúc rồi buông ra chạy sang nắm chân anh Ivan ở Liên Xô”. Tôi thấy đồng chí Đỗ Mười tủm tỉm cười. Giáo sư Bùi Văn Nguyên thường hay có cách nói nôm na, thẳng thắn và gây ấn tượng. Một lần, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu gặp một số cán bộ ngành Văn trường Đại học tại cơ sở 2 (Trường Trưng Vương cũ) vào đầu năm 1960. Bộ trưởng nhắc nhở: “Giáo dục là vấn đề khoa học, trong tư tưởng, tổ chức, nội dung giảng dạy. Phải lấy quan điểm Mác Lê-nin làm tư tưởng chỉ đạo”. Giáo sư Bùi Văn Nguyên phát biểu: “Thưa Bộ trưởng, khi Các Mác còn trong bụng mẹ, chúng ta đã có nền giáo dục tốt”. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cười, gật đầu và bảo: “Thầy nói đúng”.

Giáo sư Bùi Văn Nguyên không hoàn toàn thích hợp với sinh hoạt của thời kỳ hiện đại. Ông không dùng quạt máy vì sợ có hại cho sức khỏe, bị động với luồng gió. Ông thích quạt tay với độ mát vừa phải và theo đúng ý mình. Ông không ăn kem, uống bia vì cho rằng đưa một lượng nước quá lạnh vào cơ thể có hại cho dạ dày. Ông thường thích ăn chuối. Mua một nải chuối khoảng chục quả, mỗi ngày ông ăn đúng hai quả. Thức ăn mà ông đi chợ mua thường là loại dễ nấu và không có rác như cà chua, giá, củ cải,... Bên cạnh món rau xào hoặc luộc còn có món thịt kho. Sau bữa sáng, ông dành lại một phần và buổi chiều thì dùng món cơm xào do ông tự chế biến. Không phải cơm rang vì cơm rang ăn khô và cứng. Cơm xào có độ mềm dẻo hơn, có chất đậm đà của nước thịt và rau quả trộn lẫn. Tôi tuy ở khác phòng nhưng cùng chung một mái nhà lợp ngói. Căn phòng rộng 79 mét vuông,  phòng ông hai mươi mét, khoảng trống giữa độ hai mươi mét, phần còn lại là phòng tôi. Dạo ấy tôi cũng luyện thi, khoảng mười lăm em, ngồi dưới sàn và tự kê chỗ để viết. Khoảng 4 giờ chiều thì giáo sư Bùi Văn Nguyên bắt đầu chế biến món cơm xào. Mùi nước mắm, nước thịt và thức ăn khi xào lên bay hơi sang phòng tôi. Mấy em gái người Hà Nội không chịu nổi, sau đành xin phép tôi được chuyển chỗ học. Các em nói: “Chúng cháu không chịu nổi cái mùi này”. Tôi nói: “Đây là món cơm xào của ông giáo hàng xóm, các em cố chịu đựng rồi cũng quen đi”. Nhưng rồi cũng không xong, tôi nói với giáo sư Bùi Nguyên. Ông bảo: “Sống phải chịu đựng nhau thôi. Mùi cơm xào tôi ăn ngon miệng, có gì mà không chịu được. Ông tưởng tôi không phải chịu đựng ông à? Ông luyện thi, chiều nào ông cũng phóng Đất nước đứng lên và Người mẹ cầm súng sang, tôi chịu làm sao nổi”. Tôi thua ông và không nói gì.

Tuy có những khác biệt nhưng tôi với ông cũng có sự hòa hợp. Tôi thường xuyên cung cấp cho ông những thông tin về văn học Việt Nam hiện đại và có lần bàn với ông viết chung một cuốn sách về thơ ca Việt Nam từ cổ chí kim, chủ yếu về hình thức và thể loại. Tôi bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, còn ông là thế kỷ 20 trở về trước. Ông bảo: “Đề tài tốt, nhưng ai in. Đang đánh Mỹ đề cao nội dung tư tưởng, nói hình thức thể loại họ cho là lạc điệu”. Tôi đề nghị ông làm phần đề cương của mình và tôi sẽ lo tìm nơi in ấn. Tôi đến NXB Khoa học xã hội vừa mới thành lập được một hai năm. Tôi gặp anh Trần Khuê và trình bày đề cương cuốn sách. Tôi nói: “Thơ ca Việt Nam có truyền thống, nhiều đỉnh cao từ cổ chí kim, nhiều thể loại thơ phong phú, nhiều hình thức sáng tạo. Hiện nay các trường, nhất là trường phổ thông, các thầy giáo thường gặp khó khăn khi phân tích các thể thơ, nhất là các thể thơ cổ như hịch, cáo, phú, văn tế...”. Ông nghe ra và đồng ý. Tôi về nói với giáo ư Bùi Văn Nguyên, ông khen tôi: “Ông cũng khéo miệng đấy. Nói thế là thuyết phục” và chúng tôi bắt tay vào làm việc. Chừng một năm sau thì cuốn sách viết xong, bản thảo hoàn chỉnh và nộp cho nhà xuất bản. Năm 1968 sách được xuất bản và sau đó lại tái bản, tổng cộng tái bản ba lần.

Ngôi nhà mà tôi ở là loại nhà cổ, lợp ngói âm và có chỗ bị dột. Trong một lần, tôi đến trường về muộn vì cơn mưa to. Sét đã đánh vào mấy nhà ở khu phố Hàng Ngang, trong đó có phòng của tôi và ông Nguyên ở. Sét đánh thủng một chỗ trên mái nhà rồi phóng thẳng vào góc tủ của ông, làm đổ sách vở. Khi tôi về, ông kể lại với dáng vẻ đặc biệt. Ông bảo: “Sét nó nhằm đánh vào cậu nhưng cậu đi vắng nó đánh trượt sang mình. Đừng hòng mà vật ngã tôi. Thoát khỏi trận này...”, tôi nói tiếp: “Anh trở thành bất tử”. Ông cười gật đầu. Đêm hôm ấy mưa to, ông phải thức suốt đêm, dùng hai ba cái chậu nhựa, liên tục thay nước và đổ ra ngoài. Sáng hôm sau ông làm đơn lên Bộ trưởng Trần Hồng Quân trình bày hoàn cảnh và bày tỏ sự bực bội về cách đối xử với thầy giáo già. Bộ trưởng Trần Hồng Quân trong thư trả lời đã bày tỏ sự thông cảm đặc biệt. Ông nói rằng không trực tiếp về những công việc này nên cũng không thể giải quyết việc nhà cửa, chỉ xin biếu giáo sư mấy chục (đồng tiền lúc này còn có giá) để mong chám lại chỗ dột của “Ẩn sĩ Đường” và kèm theo hai câu thơ:

Tiếng sét kia là tiếng pháo xuân
Điều lành sẽ đến với hiền nhân

Giáo sư Bùi Văn Nguyên rất cảm động, nhưng hoàn cảnh cũng chẳng thay đổi gì. Cuộc sống của ông vẫn khó khăn. Ông sống khổ hạnh, thanh khiết theo ngày tháng. Tôi viết một bài “Vị giáo sư và ẩn sĩ Đường” đăng trên báo Văn nghệ nhân dịp 20-11. Đọc xong, nhiều người ngậm ngùi về cảnh sống và cảm phục người trí thức có bản lĩnh vượt lên mọi khó khăn. Đài Truyền hình Hà Nội đọc xong bài báo có ý định tổ chức quay một bộ phim về ông: Nhà Nho cao tuổi có bản lĩnh, hình ảnh một người dần dần hiếm ở trong thành phố. Họ liên hệ với ông và xin được tổ chức buổi quay. Đạo diễn có nói chuyện với tôi với ý định muốn quay cả những cảnh khổ cực, quay bữa ăn đạm bạc, quay cảnh ông tự giải quyết những công việc sinh hoạt hàng ngày. Ông Bùi Văn Nguyên lại chuẩn bị buổi quay phim theo một hướng khác với tư cách một giáo sư lâu năm, chuyên gia về phần Nguyễn Trãi. Ông muốn thể hiện điều đó qua bộ phim. Và đúng như thế, ông mặc comple, thắt cavat, ngồi chờ đợi đoàn làm phim đến. Cảnh đầu tiên quay giáo sư ngồi làm việc trên bàn có bày biện sách vở trông cũng tươm tất. Cảnh thứ hai là giáo sư ngồi vặn đĩa hát để nghe bài “Bình Ngô đại cáo” với dáng vẻ suy nghĩ và tâm đắc. Cảnh thứ ba là quay giáo sư từ trên đường phố để đi vào nhà. Ông đội thêm mũ phớt, đi lại trên hè trước khi vào nhà. Các cửa hàng gần nhà đều bất ngờ về hình ảnh ông cụ già hàng ngày vất vả đi lại nay lại có vẻ sang trọng và truyền hình nhà nước chăm chú quay. Như thế là chủ đề bộ phim bị chệch theo hướng của ông. Ông nói với tôi: “Mình phải giữ tư thế. Cái nghèo cái khổ bày ra làm gì”. Từ đấy cuộc sống của ông vẫn giữ một nếp lao động say mê miệt mài, không thích mọi sự khoa trương. Ông dần có vị thế trong Hội Văn nghệ dân gian với chức vụ Tổng thư ký. Với cương vị ấy, ngày nay có xe cộ đưa đón. Ông không đi đâu mà chỉ đạo tại nhà. Thỉnh thoảng tôi ngồi ở phòng bên vẫn lắng nghe người của Hội đến bàn bạc công việc với ông, kể cả những điều quan trọng của Hội. Ông không thích đến trụ sở, cần việc gì thì đến nhà mà xin ý kiến. Công việc nay cũng không thích hợp với một người suốt đời dành thì giờ cho việc nghiên cứu.

Năm 1995 rồi năm 2000, Nhà nước chủ trương tặng giải Nhà nước và Hồ Chí Minh cho các cán bộ nghiên cứu ở các Viện và trường Đại học. Người cùng thế hệ với ông như Đinh Gia Khánh, Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Đổng Chi và ít tuổi hơn như Cao Huy Đỉnh đều thành công. Bùi Văn Nguyên không được Giải thưởng nào trong số ấy. Một giáo sư bạn ông có tham gia vào việc tuyển chọn cho rằng: “Giáo sư Bùi Văn Nguyên cổ quá. Cổ trong lối sống và cả học thuật nên không tạo được sự truyền cảm và giao lưu với học thuật hôm nay”. Ý kiến ấy không xác đáng, có lẽ nào một người sống theo phong cách cổ trong sinh hoạt ăn uống lại ảnh hưởng đến giải học thuật? Ông buồn và đúng như câu “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, ông lại gặp sự không may. Một lần ông đi họp ở Hội Văn nghệ dân gian, khi đi bộ đến phố Hàng Đào thì bị một nữ sinh lớp 12 quê ở Hải Dương đi ngược đường đâm thẳng vào ông. Ông ngã lăn ra đường, không có ai đến cấp cứu kịp thời. Ông gãy chân nhưng không chảy máu. Một bác xích lô biết ông ở gần nhà nên đã cõng ông trèo lên mấy thang gác nhưng cũng không gặp được người thân. Bác xích lô lại chuyển ông vào bệnh viện. Em học sinh vào viện thăm ông khóc sướt mướt: “Cháu có lỗi với ông, cháu xin ở đây để chăm sóc ông”. Gia đình em đem biếu ông một ít tiền, mấy cân gạo ngon, chùm nhãn. Ông bảo: “Chữa chạy cho ông phải tốn hàng chục triệu, gia đình cháu phải bán đi hai con trâu mới đủ bồi thường cho ông”. Ông nói tiếp: “Thôi, cháu về đi, ông tha lỗi cho cháu”.

Sau những ngày mổ xẻ, ông dần bình phục, về ở với con gái, dần xa cách việc đọc sách, nghiên cứu. Tôi đến thăm ông trong căn nhà ở bờ sông. Căn phòng dành cho bố cũng rộng rãi. Ông đi lại phải có gậy chống đỡ, ông nói vui: “Tôi sắp gần đất xa trời rồi, bây giờ đang ở lưng chừng không, khi xuống đất thì hạ thổ luôn”. Tôi biết ông nói vui nhưng cũng rất xúc động khi chia tay ông. Sau đó một số năm, sức khỏe ông xuống dần và ông mất trong nỗi thương tiếc của gia đình, bè bạn.

Năm 2005 trong đợt đăng ký giải Nhà nước và giải Hồ Chí Minh, gia đình đăng ký cho ông giải Nhà nước. Một số thầy giáo cùng tuổi đăng ký giải Hồ Chí Minh và theo quy chế lúc ấy, trượt giải Hồ Chí Minh thì cho dù số phiếu cao hơn số phiếu của giải Nhà nước cũng không được nhận giải Nhà nước. Giáo sư Bùi Văn Nguyên đã trúng giải Nhà nước. Trong lần họp tại Bộ Khoa học và công nghệ ở phố Trần Hưng Đạo, tôi chịu trách nhiệm làm Phó trưởng ban về Khoa học xã hội, giáo sư Phan Huy Lê là trưởng ban. Khi bàn đến giáo sư Bùi Văn Nguyên, mọi người đều nhất trí cao về giá trị và ông xứng đáng được nhận giải. Tôi nói: “Đáng lẽ ông phải được giải thưởng cao từ một hai lần trước, nhưng số phận đã không thuận chiều, có lẽ lúc này, hồn ông đang bay trên trời xem hội đồng chúng ta làm ăn thế nào”. Chúng tôi hiểu ông và trân trọng với những giá trị mà ông đã đóng góp cho học thuật. Tác phẩm khoa học của ông vẫn còn đó và hình ảnh của ông vẫn ở trong tấm lòng bè bạn


  Hà Minh Đức

Theo: http://vnca.cand.com.vn

25-05-2013