Giáo sư Lê Văn Sáu
Giáo sư Lê Văn Sáu là một trong số những người có công đặt nền móng tạo dựng và là Chủ nhiệm khoa đầu tiên của khoa Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp khoa học của Thầy gắn liền với những biến cố lịch sử của đất nước cũng như hành trình phát triển của khoa Lịch sử trong 60 năm qua. Đối với chúng tôi, Giáo sư Lê Văn Sáu đồng thời còn là Người Thầy đáng kính, bậc Sư biểu của nhiều thế hệ sinh viên khoa Lịch sử. Chúng tôi kính trọng Thầy trước hết là bởi nhân cách của một nhà giáo, tư chất thông minh của một nhà sử học, sự thông tuệ của một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động xã hội luôn hết mình vì công việc, sự thẳng thắn, tận tâm và tình cảm ấm áp của một người Thầy đối với nhiều thế hệ học trò.
Giáo sư Lê Văn Sáu sinh ngày 28 tháng 5 năm 1919 tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng (nay là tỉnh Hậu Giang). Thầy tham gia cách mạng từ rất sớm và có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng ở tỉnh Sóc Trăng: từ năm 1944, Thầy được Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ làm công tác an ninh tại Thị xã Sóc Trăng, góp phần chuẩn bị cho việc giành chính quyền vào ngày 23 tháng 9 năm 1945 và sau đó trở thành thành viên của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Sóc Trăng.
Tháng 6 năm 1946, khi vừa bước vào tuổi 27, Thầy được cử đi học tập và làm công tác thanh niên, sinh viên ở Pháp. Trong những năm tháng sống, học tập và hoạt động tại nước Pháp, Thầy là một sinh viên xuất sắc của trường Đại học Sorbonne danh tiếng ở Paris, đoạt bằng cử nhân Sử học, cử nhân Văn chương và làm luận án tiến sĩ. Cùng với việc học tập, Thầy tham gia tích cực vào các hoạt động của phong trào thanh niên sinh viên yêu nước: là Tổng Thư ký Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Pháp; Đại diện thanh niên sinh viên Việt Nam ở nước ngoài; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên Hiệp sinh viên Quốc tế.
Từ năm 1950, Thầy tham gia nhóm lãnh đạo phong trào Việt Kiều ở Pháp và được cử phụ trách Báo Quyết thắng, tờ báo của những người Việt Nam yêu nước ở Pháp. Tháng 10-1952, Thầy được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp và phụ trách công tác Trí vận của Hội Việt Kiều ở Paris. Cũng trong thời gian này, Thầy tham gia khóa học về Chủ nghĩa Mác - Lênin tại Université Nouvelle.
Năm 1955, trong lúc đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ tại Pháp, theo yêu cầu của Tổ chức Trung ương trong nước, Thầy lên đường về nước nhận công tác mới theo hành trình Paris - Moscow - Hà Nội. Về nước, Thầy được giao đảm nhận một số công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đồng thời làm giảng viên về Lịch sử thế giới và Lịch sử Đông Nam Á tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Từ năm 1959, Thầy Lê Văn Sáu được cử làm Chủ nhiệm khoa Lịch sử trường Đại học sư phạm Hà Nội. Cũng trong thời gian này, Thầy được cử làm Chuyên viên Đoàn ngoại giao Việt Nam ở Hội nghị Geneve về Lào năm 1961. Đồng thời, Thầy còn đảm đương các công việc: Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt - Pháp, Chủ tịch Hội đồng môn Sử thuộc Bộ Giáo dục (1970-1975).Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, Thầy chuyển về TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ xây dựng Khoa Sử - Địa và sau đó làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sửcủa Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với công tác giảng dạy, quản lý, Thầy còn tích cực hoàn thành vai trò của Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh và Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.Sau khi nghỉ hưu năm 1991, với niềm say mê và sự hết mình vì công việc, Thầy còn tiếp tục nghiên cứu khoa học cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.
Với trên 50 năm hoạt động cách mạng, nghiên cứu khoa học và đào tạo, Giáo sư Lê Văn Sáu đã có nhiều cống hiến, đóng góp, nhất là trong sự nghiệp xây dựng Khoa Lịch sử trường Đại học sư phạm, trong khoa học lịch sử và trong sự nghiệp giáo dục. Trong chặng đường đầu tiên đầy khó khăn của thời kỳ xây dựng Khoa, Thầy đã đóng góp công lao to lớn cho việc xây dựng mô hình đào tạo, chương trình đào tạo, chỉ đạo biên soạn hệ thống giáo trình. Bên cạnh đó là những khó khăn, gian khổ mà Thầy trò Khoa Sử phải đối mặt trong thời chiến, khi máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, cả Khoa phải đi sơ tán nhiều nơi. Với tư cách người tổng chỉ huy, Thầy đã trực tiếp chỉ đạo, chăm lo nơi ăn, chốn ở, nơi học tập cho toàn thể cán bộ và sinh viên trong khoa trong suốt những năm tháng chiến tranh.
Giáo sư Lê Văn Sáu là người trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo giáo viên lịch sử cấp phổ thông trung học từ hệ đào tạo 2 năm đến 3 năm, 3 + 1 và sau đó là hệ 4 năm. Thầy cũng tổ chức biên soạn hệ thống giáo trình Lịch sử thế giới của Khoa Lịch sử. Ngay từ đầu thập niên 1950, chuyên khảo “Đông Á trên trường chánh trị Quốc tế 1840 - 1950” (Lê Văn Sáu, Đông Á trên trường Chánh trị quốc tế, Nxb Minh Tân, Paris, 1952) của Thầy đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng bộ môn Lịch sử Đông Nam Á. Giáo sư Lê Văn Sáu đã trực tiếp tổ chức và chỉ đạo một nhóm các cán bộ giảng dạy chuyên nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, bao gồm các giáo sư Đặng Đức An, Đặng Bích Hà, Phan Ngọc Liên, Phạm Hữu Lư… Đó là những nền tảng vững chắc để xây dựng bộ môn Đông Nam Á học trong chương trình giảng dạy ở Đại học Sư phạm và các trường trung học phổ thông sau này.
Những cống hiến và thành tích của Giáo sư Lê Văn Sáu đã được khẳng định bởi chính lịch sử phát triển của khoa Lịch sử trong 2 trường: Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, được Nhà nước ghi nhận bằng những danh hiệu và huân huy chương cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Ăng Co của Chính phủ Campuchia, Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp Khoa học - Kỹ thuật… Nhưng có lẽ hơn tất cả, điều còn đọng lại mãi trong ký ức chúng tôi chính là hình ảnh một người Thầy đáng kính với niềm tin yêu, sự trân trọng của nhiều thế hệ sinh viên.
Thầy Lê Văn Sáu là một trong số các Thầy cô giáo đã dẫn dắt chúng tôi đi vào khoa học, đi vào những bài giảng đầu tiên trên giảng đường đại học với nhiệt huyết của một người Thầy sẵn lòng giành hết sức lực và trí tuệ cho các thế hệ học trò của mình. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi, muốn dạy tốt ở đại học cần phải có công trình nghiên cứu, cần phải viết báo, viết giáo trình, học ngoại ngữ… Với lớp cán bộ giảng dạy trẻ trong khoa, Thầy đặc biệt chú trọng việc động viên, khích lệ và tạo điều kiện cho chúng tôi trên bước đường khoa học. Trên cương vị Chủ nhiệm khoa trong nhiều năm nhưng Thầy thực sự gần gũi, chân tình như một người Anh, một người Cha đáng kính. Thầy không còn nữa, nhưng những công trình nghiên cứu, những bài học quý báu mà Thầy để lại đã và đang giúp ích rất nhiều cho những thế hệ đi sau trên bước đường khoa học và sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Hà Nội, tháng 8/2011
PGS.TS. Trần Thị Vinh
Khoa Lịch Sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
THÔNG TIN CHUNG
Theo: www.khcn.hcmup.edu.vn
Họ và tên : |
Lê Văn Sáu |
Bí danh : |
Nguyễn Văn Ba |
Ngày, tháng, năm sinh : |
28/05/1919 |
Học hàm : |
Phó giáo sư |
Chuyên ngành : |
Lịch sử |
Giới tính : |
Nam |
Quê quán : |
huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. |
Danh hiệu giải thưởng,
huân huy chương: |
Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Ăngco của Chính phủ Campuchia tặng; Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học Kỹ thuật. |
|
Niên biểu cuộc đời
|
|
1919
|
Sinh tại huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng (nay là tỉnh Hậu Giang).
|
từ tháng 5 đến tháng 12-1945 |
Hoạt động trong nhóm Thanh niên Tiền phong ở Sóc Trăng. Công tác trong Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Sóc Trăng. |
từ tháng 7-1946 đến 1949 |
- Tham gia và là Tổng Thư ký Tổng Hội Sinh viên tại Pháp. Đại diện thanh niên và sinh viên Việt Nam ở nước ngoài ;
- Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Sinh viên Quốc tế.
- Học tại trường Đại học Sorbonne, CH Pháp, đỗ cử nhân Sử học và cử nhân Văn chương (1947-1953).
|
1949-1954 |
- Tham gia nhóm lãnh đạo phong trào Việt Kiều, phụ trách Báo Quyết thắng;
- Tháng 10-1952 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp, làm công tác trí vận của Hội Việt Kiều ở Paris;
- Học chủ nghĩa Mác - Lênin tại trường Đại học mới Université Nouvelle của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức (1952-1954);
- Sau tháng 10-1954 về nước công tác theo yêu cầu của Đảng bằng con đường bí mật.
|
1955-1959 |
Giảng dạy Lịch sử thế giới và Đông Nam Á tại trường Đại học Tổng hợp ở Hà Nội. |
1958 |
Học chỉnh huấn về Nhà trường xã hội chủ nghĩa do Bộ Giáo dục tổ chức. |
1959-1975 |
- Chủ nhiệm Khoa Sử, Trường Đại học Sư Phạm I Hà Nội;
- Chuyên viên Đoàn ngoại giao Việt Nam ở Hội nghị Giơnever về Lào 1961;
- Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam;
- Ủy viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt - Pháp;
- Trưởng Ban Thư ký Môn Sử trường Đại học Sư Phạm I Hà Nội và Chủ tịch Hội đồng môn Sử thuộc Bộ Giáo dục (1970-1975).
|
1976-1990 |
- Chủ nhiệm Khoa Sử trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Ủy viên Thường vụ Đảng bộ nhà trường (1978-1983);
- Thỉnh giảng về Lịch sử Việt Nam và Lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Paris VII, CH Pháp (1985, 1989,1991);
- Ủy viên Hội đồng bộ môn Lịch sử Bộ Giáo dục.
|
11-2004 |
Qua đời. |
Nguồn tham khảo: |
Lý lịch khoa học do nhà khoa học tự khai lưu trữ tại CPD
Theo: www.cpd.vn
|
PHẦN DANH MỤC
- Lê Văn Sáu (1982), Một số vấn đề trong cải cách bộ môn Lịch sử ở trường cấp 2 phổ thông. Tạp chí Giáo dục trường Cao đẳng Sư phạm Tp.HCM
- Lê văn Sáu (1989), Một số suy nghĩ của Tổ phương pháp dạy và học trong tình hình hiện nay. Thông tin Khoa học của trường ĐHSP Tp.HCM tháng 6/1989
- Lê văn Sáu (1991), Nguyễn Bỉnh Khiêm –con người và nhân cách. Báo cáo Khoa học tại Hội thảo 500 năm ngày sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm do Hội Sử học Tp.HCM tổ chức tháng 6/1991.
- Lê Văn Sáu (1992), Đánh giá Nguyễn Trường Tộ –con người và nhân cách. Kỷ yếu về Nguyễn Trường Tộ của Trung tâm Nghiên cứu Hán-Nôm. Viện Khoa học xã hội- Sở Văn học thông tin.
- Lê Văn Sáu (1993), Tuệ trung Thượng sĩ và Phật giáo Thiền tông Việt nam. Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm. Viện Khoa học Xã hội- Viện nghiên cứu Phật gáio Việt Nam- Sở Văn học thông tin Tp.HCM xuất bản.
- Lê Văn Sáu (1995), Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh Tân-Tổng luân. Nxb Đà Nẵng, trang 15-20.
- Lê Văn Sáu (1998), 300 năm Gia định Sài gòn từ lịch sử đến Văn học của người Việt ở Nam bộ. Hội thảo tháng 4/1998.